Ngày 25 tháng 12, một ngày vui mừng để kỷ niệm Đấng Mê-si đến thế gian… hay một ngày lễ của người ngoại giáo?
Chúa Jesus Giáng Sinh là sự kiện chắc chắn đã từng xảy ra trong lịch sử. Tuy nhiên sự kiện vui mừng này ngày nay gặp phải nhiều tranh cãi về thời gian và những gì chuẩn bị trong kỳ lễ.
Nhiều người thời nay cho rằng các phong tục trang trí cây thông, vòng hoa, khúc gỗ và tổ chức lễ hội mừng Chúa Giáng Sinh vào tháng 12 đều có nguồn gốc từ ngoại giáo.Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy, cũng có lý do chính đáng để nói rằng không có gì sai với đồ trang trí và lễ kỷ niệm Giáng sinh… hoặc thậm chí là ngày 25 tháng 12.
Đúng là nhiều người ngoại đã thờ các vị thần giả là cây cối, thực phẩm, v.v., nhưng điều này có làm cho những cây cối và thực phẩm đó trở thành điều xấu xa không? Chúng ta không thể vì người ngoại giáo dâng cho thần ngoại giáo thịt cừu thì chúng ta không dùng được thịt cừu hay Chúa không cho người Do Thái được phép dùng thịt cừu.
Một số ý kiến cho rằng Giê-rê-mi 10 như một lời cảnh báo không nên lấy cây thông Noel và trang trí. Nhưng đoạn văn đó rõ ràng đang nói về việc không nên dùng cây cối để chạm khắc thành hình tượng và sau đó thờ phượng nó. Một điều hoàn toàn khác. Không có gì sai với bản thân cây cối, hoặc thậm chí trang trí chúng theo phong cách lễ hội, miễn là chúng ta thờ phượng một mình Đức Chúa Trời.
Nếu xem xét Kinh Thánh thì cây cối, đặc biệt là nhưng cây như cây linh sam (tùng, bách..) cổ xưa hơn bất kỳ truyền thống nào của Hy Lạp hay La Mã. Cây linh sam (broshim trong tiếng Do Thái) tạo nên một phần của Đền Thờ (1 Các Vua 6). Trên thực tế, cây linh sam tượng trưng cho những người thờ phượng Đức Chúa Trời ngay thẳng và đáng kính. Kinh Thánh chép “Ép-ra-im sẽ nói: Ta với những thần tượng có sự thông đồng gì được nữa sao? Ta đã trả lời và sẽ đoái xem nó. Ta như là một cây tùng xanh; bởi ta mà sanh ra hoa trái ngươi.”. (Ô-sê 14: 8). Một biểu tượng đặc biệt ẩn chứa đằng sau cái cây xanh mà Chúa đã tạo ra - nó đại diện cho những người tin đúng đắn và cuộc sống vĩnh cửu! Đây chính là điều mà Đấng Mê-si đã nhập thể đã đến để ban cho chúng ta như một món quà - sự công bình của chính Ngài, và sự sống với Ngài mãi mãi.
Có những ý kiến cho rằng Chúa Jesus được thụ thai trong lễ Hanukkah và sinh ra vào mùa Thu, tại Lễ hội Đền tạm, hoặc thụ thai trong lễ Vượt qua vào mùa xuân và sinh vào cuối tháng 12, dựa trên các tính toán về thời điểm của thầy tế lễ Zechariah đang phục vụ đến lượt mình tại đền thờ. Tuy nhiên, các thầy tế lễ đôi khi phải phục vụ trong đền thờ ngoài lượt dự kiến của họ (chẳng hạn như trong các dịp lễ lớn).
Giáng sinh thường được tổ chức lễ vào ngày 25 tháng 12. Chắc chắn có những lễ hội ngoại giáo vào khoảng thời gian này trong năm, nhưng các nguồn cổ xưa cho thấy các môn đồ của Jesus đã tổ chức lễ Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12 từ rất lâu trước Constantine.
Một số các ý kiến cho rằng ngày 25 tháng 12 là ngày của ngoại giáo vậy chúng ta không nên dùng nó. Cũng như ý kiến cho rằng ngày Chủ Nhật là ngày Thần Mặt Trời nên không được thờ phượng vào ngày đó. Vậy nếu Chúa sinh vào tháng 7 âm lịch thì theo truyền thống của Việt Nam tháng đấy là tháng gì chắc mọi người cũng hiểu.
Không cứ là vì ngoại giáo dùng ngày, tháng thì chúng ta bỏ luôn những ngày, tháng mà người ngoại giáo đã dùng, dầu rằng ngày nay rất ít người biết, hiểu hay coi ngày Chúa Nhật là ngày thờ thần mặt trời. Nếu chính xác thì cả ngày thứ bảy hay tên tất cả mọi ngày trong tuần đang dùng đều theo tên các vị thần. Thật may mắn khi người Việt Nam gọi tên các ngày là theo số thứ tự, không gọi theo cách tiếng Anh, và rất ít người biết đó là tên của các vị thần. Ngày Chủ Nhật thì người tin Chúa thường gọi là Chúa Nhật hay Thánh Nhật. Không có điều gì là lừa dối ở đây cả. Mọi ngày đều là của Chúa, mọi ngày đều cần thờ phượng Chúa, Chúa là trung tâm của mọi ngày và mọi ngày mà Chúa tạo dựng Ngài cũng cho là “tốt lành”
Thực tế, điều mà chúng ta cần để ý đó chính là ai là trọng tâm của buổi lễ, Chúa có thực sự Giáng Sinh vào lòng chúng ta và Chúa có ảnh hưởng thật trên đời sống chúng ta hay không chứ không phải là ngày hay giờ.
Cô-lô-se 1:8-17 “Hãy giữ chừng, kẻo có ai lấy triết học và lời hư không, theo lời truyền khẩu của loài người, sơ học của thế gian, không theo Đấng Christ, mà bắt anh em phục chăng. …Ngài đã xóa tờ khế lập nghịch cùng chúng ta, các điều khoản trái với chúng ta nữa, cùng phá hủy tờ khế đó mà đóng đinh trên cây thập tự; …Vì vậy, chớ có ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát, ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ.”
Có những cách tiếp cận, ý kiến khác nhau, các lựa chọn và thực hành khác nhau khi nói đến Giáng sinh. Nhưng điều chính yếu là chúng ta tôn vinh ai. Phao-lô nhắc chúng ta rằng mỗi người chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm trước Đức Chúa Trời, nhưng không được phán xét người khác về quyết định của họ.
“Vậy chúng ta chớ xét đoán nhau; nhưng thà nhứt định đừng để hòn đá vấp chân trước mặt anh em mình, và đừng làm dịp cho người sa ngã. Tôi biết và tin chắc trong Đức Chúa Jêsus rằng, chẳng có vật gì vốn là dơ dáy; chỉn có ai tưởng vật nào là dơ dáy, thì nó là dơ dáy cho người ấy mà thôi. …. Vậy chúng ta hãy tìm cách làm nên hòa thuận và làm gương sáng cho nhau. " (Rô-ma 14: 13-19).
Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam.
Σχόλια