Luật Do Thái ("Halachah") quy định rõ ràng rằng người chết phải được chôn trong đất. (Bộ luật Do Thái, Yorah Deah 348: 3; 362: 1.). Nếu hài cốt bị hỏa táng thì hài cốt đó không được an táng trong một nghĩa trang của người Do Thái. Trách nhiệm chôn cất người quá cố là thuộc về thân nhân của người quá cố, mặc dù luật Do Thái thông thường yêu cầu con cái của người quá cố phải hết sức tôn trọng mong muốn của người đã khuất, nhưng nếu ai đó yêu cầu được hỏa táng hoặc chôn cất theo cách không phù hợp với truyền thống Do Thái người thân có quyền từ chối.
Người Do Thái tin rằng kể từ khi linh hồn đã về với Chúa thì linh hồn đó chắc chắn sẽ thấy giá trị của một sự chôn cất đúng đắn của người Do Thái, và do đó, việc quản lý một lễ chôn cất theo truyền thống của người Do Thái thực sự mang lại điều ích lợi cho người chết. Hơn nữa, nếu bất cứ ai yêu cầu bạn làm tổn thương cơ thể của họ thì bạn không được phép làm theo như họ yêu cầu, vì cơ thể chúng ta không thuộc về chúng ta, chúng thuộc về Đức Chúa Trời.
Có những ngoại lệ cho những trường hợp bị hỏa táng trái với ý muốn của mình, vì vậy sau thảm họa Holocaust, nhiều người Do Thái đã thu thập tro tàn từ lò hỏa táng của trại hủy diệt và chôn cất chúng một cách thành kính trong các nghĩa trang của người Do Thái.
Người Do Thái tin rằng linh hồn của con người đến từ Chúa, “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh.” Sáng thế ký 2:7. Vì vậy khi sứ mệnh trần thế của con người đã hoàn thành, linh hồn sẽ trở lại với Đức Chúa Trời là nguồn của nó.
Mặt khác, Kinh Thánh chép “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người,” Sáng thế ký 2:7, bởi cơ thể được tạo nên từ bụi đất, do đó thân thể phải quay trở lại trái đất. Điều này được thể hiện trong những lời mà Đức Chúa Trời đã nói với Adam “vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi.” Sáng thế ký 3:19.
Vì vậy, việc hỏa táng sẽ phá hủy phần lớn cơ thể, khiến cho việc chôn cất xác thịt là không thể, nên sẽ vi phạm lệnh trong Kinh thánh.Trong luật Do Thái, cơ thể con người thuộc về Đấng Tạo Hóa. Chúa chỉ đơn thuần là cho mượn, vì vậy thân thể phải được "trả lại" trong tình trạng nguyên vẹn như đã được trao. Ngoài ra, Con người được tạo nên giống Chúa nên bất kỳ hành vi xâm phạm nào đối với cơ thể con người đều được coi là vi phạm bản thân Ngài.
Sự tôn trọng tối đa đối với sự thiêng liêng của cơ thể con người cũng là mối quan tâm hàng đầu xuyên suốt quá trình chuẩn bị chôn cất người đã khuất. Tang lễ được lên kế hoạch vào thời gian sớm nhất có thể, lý tưởng là vào cùng ngày với ngày qua đời, để thi thể được an nghỉ vĩnh viễn càng nhanh càng tốt.
Một trong những nguyên lý cơ bản nhất của đức tin Do Thái là niềm tin vào sự cứu chuộc cuối cùng của người Do Thái và của cả nhân loại thông qua một Đấng Mê sia. Người Do Thái có khái niệm về sự sống lại của người chết đó chính là thời điểm các linh hồn sẽ trở lại cơ thể của họ. Những niềm tin này là trung tâm trong thế giới quan của người Do Thái đến nỗi Maimonides coi chúng là hai trong số mười ba nguyên tắc của đức tin Do Thái.
Người Do Thái cho rằng hỏa táng người chết là một nghi lễ được nhiều nền văn hóa ngoại giáo tuân theo, và do đó cũng là một vi phạm điều cấm của Kinh thánh. “Các ngươi chớ làm theo những điều người ta làm hoặc tại xứ Ê-díp-tô, là nơi các ngươi đã kiều ngụ, hoặc tại xứ Ca-na-an, là xứ ta dẫn các ngươi đi đến: chớ đi theo thói tục họ.” Lê-vi-ký 18:3
Bởi vậy mà người Do Thái cho rằng hỏa táng là vi phạm luật Kinh thánh, thể hiện sự từ chối "quyền sở hữu" tối cao của Đức Chúa Trời đối với tất cả Sáng tạo của Ngài. Hỏa táng cũng chống niềm tin của người Do Thái về sự sống lại của người chết vì vậy mà người Do Thái không hỏa táng người chết của mình.
Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam.
Commentaires