Đối với mỗi dân tộc khác nhau thì vào những dịp cuối năm người ta có những truyền thống chuẩn bị tết khác nhau. Ngay cả tại Việt Nam, mỗi thành phố và vùng miền cũng có những cách đón tết rất khác. Thường vào các dịp tết Việt Nam người ta dọn dẹp nhà cửa, trang trí nhà cho năm mới, mua sắm chuẩn bị tết. Đối với nhiều người, đây là thời điểm mà người ta thờ cúng, làm nhiều những thủ tục về tâm linh, dịp tết đối với một số người là dịp để buông thả, ăn chơi vì vậy mà người việt có câu “tháng giêng là tháng ăn chơi, Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà”… Đối với người Do Thái, người Do Thái cũng tính lịch theo chu kỳ mặt trăng giống chúng ta nhưng cách tính lịch của người Do Thái khác với chúng ta. Người Do Thái cũng có năm mới riêng không trùng với tết Dương Lịch, năm mới của người Do Thái bắt đầu tính theo đúng ngày Chúa tạo dựng nên thế giới vũ trụ này. Với người Do Thái thì tháng cuối năm là tháng Elul, người ta tính từ ngày 25 tháng Elut là ngày tạo dựng nên thế giới, (Chúa tạo dựng nên thế giới trong 6 ngày, ngày thứ 7 là ngày Chúa tạo nên Ngày Nghỉ và là ngày thánh). Lịch Do Thái bắt đầu được tính từ ngày Chúa tạo dựng nên A-đam và Ê-va là ngày đầu tiên của năm hay là ngày 1 tháng Tishrei là tháng đầu tiên của năm Do Thái, (tháng thứ bảy của năm của giáo hội).
Vậy vào những ngày cuối năm người Do Thái làm những gì? Đối với người tháng Elul hay là dịp cuối năm của người Do Thái thì người Do Thái dành thời gian để xem xét lại bản thân, xem xét lại đường lối của mình chuẩn bị cho năm mới cũng chính là mùa cao điểm về ăn năn. Người Do Thái chuẩn bị cho năm mới không phải là sự vui chơi, mà họ dành thời gian để xem xét nội tâm và kiểm tra lại bản thân. Việc xét lại bản thân, linh hồn mình trong tiếng Do Thái cheshbon hanefesh - nghĩa đen của nó là “một bản kế toán của linh hồn”. Đây là những phần được tiến hành nhằm chuẩn bị cho năm mới Rosh Hashanah đến. Theo truyền thống Do Thái, người ta tin toàn thể nhân loại đều phải giải trình về công việc của mình và chịu phán quyết trước tòa án của Đức Chúa Trời. Vì vậy vào những tháng cuối năm, người Do Thái sẽ dành nhiều thời gian ăn năn trước Chúa về những việc làm sai trái trong năm qua và xin Chúa tha thứ, làm ơn trong năm sắp đến. Người Do Thái cũng thường gọi ngày đầu tiên của năm mới là Yom Hazikaron (Ngày tưởng nhớ) hay Yom Hadin (Ngày phán xét) vì đây là ngày Đức Chúa Trời nhớ lại tất cả những sáng tạo của Ngài và quyết định số phận của họ trong năm tới “ai sẽ sống, ai chết, ai giàu, ai nghèo…” Cho nên những phong tục liên quan đến tháng tháng cuối năm và những ngày cuối năm đều nhằm mục đích giúp trau dồi tư duy đúng đắn cho việc chuẩn bị này. Ngày đầu tiên của năm năm mới cũng chính là Lễ Thổi Kèn, đây là lễ hội chuẩn bị cho ngày lễ lớn nhất của người Do Thái trong năm vào 10 ngày sau đó chính là Đại Lễ Chuộc Tội. Có lẽ truyền thống nổi tiếng nhất trong những ngày cuối năm, trong tháng cuối năm đó chính là việc thổi shofar (thổi kèn sừng) mỗi ngày trong tuần sau các buổi lễ buổi sáng trừ ngày Sabat. Việc thổi Shofar hằng ngày vào những ngày cuối năm nhằm mục đích đánh thức mọi người khỏi sự tự mãn và thúc đẩy mọi người đến sự ăn năn. Người Do Thái cũng thường đọc Thi Thiên 27 vào những ngày cuối cùng của năm mới để cầu xin sự thương xót, sư bảo vệ của Chúa trên dân tộc, trên đất nước họ trước mọi kẻ thù nghịch. Và như trong Thi Thiên 27: 4-5 “Tôi đã xin Đức Giê-hô-va một điều, và sẽ tìm kiếm điều ấy! Ấy là tôi muốn trọn đời được ở trong nhà Đức Giê-hô-va, Để nhìn xem sự tốt đẹp của Đức Giê-hô-va, Và cầu hỏi trong đền của Ngài. Vì trong ngày tai họa, Ngài sẽ che khuất tôi trong đền của Ngài, Giấu tôi nơi kín mật của trại Ngài; Cũng sẽ đỡ tôi lên trên một hòn đá.” Nguyện những ngày cuối năm và năm mới đến, chúng ta sẽ ở trong nhà của Ngài để nhìn thấy được sự tốt đẹp của Đức Giê-hô-va. Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam
Kommentarer