top of page
Tìm kiếm

PHÉP MÀU NỞ HOA Ở SA MẠC TẠI ISRAEL.



Trong các sắc dân trên thế giới, có lẽ hiếm có dân tộc nào chịu số phận bị đọa đày, miệt thị và khổ ải như dân tộc Do Thái. Trải qua hơn 2000 năm lưu vong, tứ tán khắp nơi và chỉ được thực hiện “giấc mơ phục quốc” mãi cho đến năm 1948. Hàng trăm ngàn người Do Thái từ khắp nơi trên thế giới đổ về mảnh đất Israel, sát cánh cùng nhau, bắt tay xây dựng và bảo vệ đất nước giữa vòng vây cấm vận của các quốc gia Hồi giáo thù nghịch.


Trên vùng đất khô cằn, tồi tàn và thiếu nước ấy, người Do Thái đã biến Israel trở thành “ốc đảo xanh tốt”, trở thành “quốc gia khởi nghiệp” và phát triển như một kỳ tích, khiến thế giới không khỏi giật mình thán phục.


Hãy tạm quên đi khung trời tự do của cường quốc Mỹ, tạm gác lại nếp sống văn minh của người Nhật hay những câu chuyện hạnh phúc ngọt ngào ở Bắc Âu để tìm hiểu về đất nước Israel nhỏ bé, non trẻ vẫn thường được nhắc đến trong những tin tức chiến tranh cùng những sa mạc nóng bỏng dài tít tắp, biết đâu, bạn sẽ tìm thấy những điều lý thú và kỳ diệu…


Là một đất nước nhỏ với diện tích trên 20.000 km2 (tức là chỉ lớn hơn tỉnh Nghệ An một chút), trong đó có 70% lãnh thổ là sa mạc, còn lại là đồi núi đá trọc và khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, tuy nhiên, Israel lại được mệnh danh là “thung lũng Silicon” của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ nước.


Chỉ với 2,5% dân số làm nông nghiệp nhưng mỗi năm Israel xuất khẩu chừng 3 tỷ USD nông sản, là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Thung lũng Arava – một trong những nơi khô cằn nhất thế giới – cái tên rất tự hào của mọi người dân Israel, vì tại đây, phép màu đã làm nở hoa giữa sa mạc – những phép màu của khoa học công nghệ, của ý chí kiên cường và bền bỉ.



Là phần khô hạn nhất của hoang mạc Negev với lượng mưa bình quân chỉ từ 20 – 50mm mỗi năm (trong khi ở Việt Nam là 1500mm/năm), độ ẩm cực thấp và sự chênh lệch nhiệt độ khiến đá cũng phải vỡ vụn, khắp hoang mạc phủ một lớp đá vụn và cát đặc thù sa mạc, điều kiện tự nhiên ở Arava có thể nói là không thể khắc nghiệt hơn cho sự sống. Thiết nghĩ, có lẽ, đối với người Isarel, những dải đất bạc màu và đồi cát của miền Trung Việt Nam vẫn còn là miền đất trù phú lắm.


Năm 2009, khi đến thăm Arava, Tổng thống Israel Shimon Peres đã từng thốt lên: “Hãy đến và thấy chính con người cũng có thể tạo nên vườn địa đàng! (Garden of Eden)”. Thật vậy, phải đặt chân đến tận nơi, chứng kiến những nông trại trồng đầy đủ các loại cây từ rau củ, cây trái đến hoa cỏ đều mọc lên xanh tốt, bạn mới hiểu được những con người nơi đây đã nỗ lực phi thường như thế nào.


Ông Ezra Ravins, người đứng đầu cộng đồng hơn 3.000 người tại khu vực này cho biết, từ một nhóm thanh niên Israel “bồng bột”, mang theo bánh mì và nước quyết định định cư tại thung lũng Arava năm 1959, họ đã xây dựng được một cộng đồng với nhiều thế hệ, tạo thành một trong những trung tâm nông nghiệp lớn nhất cả nước. Khi những người đầu tiên đến đây, quyết định đó được xem là “điên rồ” nhất và chính những nhà khoa học cũng khẳng định con người không thể sống được ở vùng đất này.


Thế nhưng, họ đã làm được, không chỉ làm được, mà còn thành công vang dội. Họ đã biến điều tưởng chừng như không thể trở thành hiện thực. Bởi vì đó là Israel, nơi có những con người mang trong mình dòng máu Do Thái và khát vọng vươn lên mạnh mẽ phi thường của một dân tộc hơn 2000 năm lưu vong, phải tha phương cầu thực.


CÁCH MÀ NGƯỜI ISRAEL TRỮ NƯỚC VÀ SỬ DỤNG NƯỚC.


Nông nghiệp tại Arava gắn liền với một công trình được ghi nhận như một kỳ công mà con người đã tạo ra giữa sa mạc: Bể chứa nước khổng lồ mang tên Shizaf. Với khả năng dự trữ 150.000 m3 nước sạch, bể chứa này có nhiệm vụ cấp nước sạch cho sinh hoạt và tưới tiêu.

Bể có đáy chìm 3,5 m dưới mặt sa mạc và chia thành nhiều lớp khác nhau, tạo nên bề mặt nổi 10m. Một khối lượng công việc khổng lồ được thực hiện để đào bỏ 320.000 m3 đá và đất sa mạc. Độ sâu của giếng khoan lên tới 1,5 km mới tới túi nước ngầm. Kỹ thuật thiết kế đặc biệt của bể chống lại chế độ bốc hơi tự nhiên cũng như thu gom nước một cách hoàn hảo.


Với khí hậu đặc biệt khô hạn và lượng mưa rất thấp, thay đổi theo từng mùa (Phía Bắc có lượng mưa khoảng 800 mm/năm và ở phía Nam chỉ khoảng 50 mm/năm. Mùa mưa kéo dài từ tháng 11 đến khoảng tháng 3 năm sau, trong khi lượng bốc hơi tự nhiên lên tới 1.900-2.600 mm/năm), không có gì ngạc nhiên khi nước ngọt ở Israel được coi như vàng trắng.

Nước ở nơi đây quản lý chặt chẽ hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Chính phủ xây dựng hẳn một bộ luật để đo lường mức tiêu thụ nước, kiểm soát việc khai thác nước ngầm, ngăn chặn ô nhiễm nước. Công nghệ xử lý nước của Israel thuộc hàng hiện đại nhất thế giới với tỉ lệ tái chế tới 75%.


Dọc ngang Israel, từ những thành phố lớn hay những vùng nông thôn, hoang mạc, hệ thống tưới nước hoàn hảo đến mức gần như không bỏ phí một giọt nào (75% hệ thống nước nông nghiệp của Israel áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, 25% còn lại tưới nước bằng ống dẫn và vòi tưới các loại phun mưa nhỏ, không hề có chế độ tưới ngập nước). Israel cũng là quốc gia phát minh ra hệ thống tưới nước nhỏ giọt điều khiển bằng máy tính, kết hợp với các thiết bị kiểm soát độ ẩm trong đất, có thể tính toán chính xác nhu cầu nước và tiết kiệm tối đa.



KHIẾN CÁ “BƠI TRONG SA MẠC”


Người Isarel không chỉ sử dụng đất trên sa mạc để trồng cây thông thường mà còn tận dụng để nuôi trồng thủy sản, phát triển những trang trại cá lớn – ngành nông nghiệp mang lại nhiều thu nhập cho quốc gia này.


Hệ thống nuôi cá trên sa mạc của Israel có nước lợ chất lượng thấp, loại nước này có hàm lượng muối cao và rất cần thiết để nuôi cá biển, họ bơm nó qua đất vào các bể nuôi cá. Đặc biệt, hệ thống sử dụng các vi khuẩn được phát triển làm sạch bể nuôi cũng như mầm bệnh ở cá khiến cho hầu như không có chất thải trong ao nuôi và không cần thay nước. Các nông trang bơm nước nóng 37 độ vào trong bể, nuôi cá thương mại. Nước chứa chất thải của cá được tưới cho rau, cây ăn quả. Nhờ vậy, nước được sử dụng tới 2 lần thay vì dùng 1 lần rồi bỏ.


Sống trên sa mạc nóng bỏng và những mảnh đất khô cằn nhưng Israel đã nuôi được cá biển xuất khẩu sang các nước trên thế giới, chủ yếu là khu vực châu Âu. Không còn gì để nghi ngờ nữa, đây chỉ có thể là phép màu!


KHI KHOA HỌC THỰC SỰ GẦN GŨI VỚI NHÀ NÔNG.


Điều đặc biệt ở Israel mà không phải quốc gia nào cũng có được, đó là sự gần gũi, kết hợp và phát triển giữa những nhà khoa học kỹ thuật và người làm nông. Một trong những lợi thế của sự phối hợp giữa khoa học và nhà nông tại Israel là tính cộng đồng rất cao. Nhà khoa học rất gần gũi với đồng ruộng và nhiều trong số họ cũng chính là nông dân hoặc giữ vai trò tư vấn trực tiếp cho nông dân.


Các trung tâm nông nghiệp lớn, thậm chí cả các “làng nông nghiệp” (Kibbutz) đều có sự xuất hiện của các phòng nghiên cứu hoặc đại diện của các viện khoa học. Những giống cây mới hay các nghiên cứu mới về hệ thống nhà kính trước hết được thí nghiệm, kế đó sẽ áp dụng thử nghiệm với một số nhỏ hộ nông dân bằng nguồn vốn hỗ trợ của hệ thống tài chính vi mô hoặc từ chính quỹ của viện thí nghiệm, trước khi triển khai thương mại đại trà.


Israel cũng là nước có mức đầu tư cho nghiên cứu thuộc loại lớn nhất thế giới với gần 100 triệu USD mỗi năm, chiếm khoảng 3% tổng sản lượng nông nghiệp quốc gia. Các nhà khoa học thuộc các trung tâm không chỉ nghiên cứu sức đề kháng hạn hán trong thực vật mà còn tạo ra các giống rau và cây trồng mới với năng suất cao, cũng như các phương pháp kiểm soát sinh học và chống sâu bệnh sử dụng ít hóa chất hơn.


Ngày nay, những nghiên cứu, đổi mới, thành tựu và giáo dục của Israel về nông nghiệp trên hoang mạc giờ đây đã được toàn cầu biết đến, góp phần giải quyết vấn đề đối với tất cả cư dân sa mạc trên thế giới, khiến cho ngay cả những quốc gia lớn cũng phải thán phục.


Biên tập Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam.


Comments


bottom of page