top of page
Tìm kiếm

Taybeh - Thành phố nơi Chúa Jesus từng ở trước khi bị bắt, bị treo trên thập giá và sống lại sau đó



Kinh Thánh trong sách Tin Lành Giăng 11 kể về câu chuyện Chúa làm cho La-xa-rơ sống lại từ kẻ chết, phép lạ này của Chúa đã làm kinh hoàng giới lãnh đạo của Do Thái Giáo trong thời điểm đó. Bởi điều này mà các lãnh đạo giáo hội Do Thái Giáo đã tìm cách giết Chúa “Các thầy tế lễ cả và người Pha-ri-si nhóm tòa công luận, bàn rằng: Người nầy làm phép lạ nhiều lắm, chúng ta tính thế nào? … Từ ngày đó, chúng lập mưu giết Ngài.” Biết được điều đó “Cho nên, Đức Chúa Jêsus không tỏ mình rõ ràng trong vòng dân Giu-đa nữa, song Ngài đi trong miền gần đồng vắng, NƠI MỘT THÀNH GỌI LÀ ÉP-RA-IM; và ở lại đó với môn đồ.” Giăng 11:54


“Thành gọi là Ép-ra-im” trong Giăng 11:54 ngày nay có tên gọi là Taybeh, đây là thị trấn Cơ Đốc Giáo duy nhất với các nhánh của Công giáo La Mã, Chính thống giáo Đông phương và Công giáo Đông Melkite còn lại tại Israel.


Dẫu là đang sống giữa các ngôi làng Hồi giáo, các khu định cư của Israel và các rào cản quân sự, nhưng cư dân của Taybeh vô cùng tự hào về di sản Cơ đốc của họ. Các cộng đồng Chính thống giáo Hy Lạp, Công giáo La Mã (Latinh) và Công giáo Hy Lạp (Melkite) của làng duy trì tinh thần đại kết. Họ thậm chí bỏ qua cách biệt để tổ chức lễ Giáng sinh cùng nhau vào ngày 25 tháng 12 theo Tây lịch và Lễ Phục sinh theo lịch Đông.


Tên “Taybeh” trong tiếng Ả-rập có nghĩa là “Người tốt” hay là “tốt đẹp”, tên thành phố được đặt như vậy vì sự hiếu khách và hào phóng của cư dân thị trấn này. Taybeh được xác định chính là thành Óp-ra, được đề cập trong Kinh Thánh sách Giô-suê 18:21-23 như sau “Các thành của chi phái Bên-gia-min, tùy theo những họ hàng của chúng, là: Giê-ri-cô, …A-vim, Pha-ra, Óp-ra”. Óp-ra là một thị trấn của Bên-gia-min, sau này được đổi tên thành Ép-ra-im. Thị trấn được đề cập đến trong Chiến tranh Do Thái-La Mã lần thứ nhất với tên gọi Hy Lạp là Ephraim ( tiếng Hy Lạp : Ἐφραὶμ ). Vào thế kỷ thứ 6 thị trấn này và được hiển thị trên bản đồ khảm Madaba thế kỷ thứ 6 là với dòng chữ “Ephron cũng là Ephraia nơi Chúa đã đi”.


Thị trấn Taybeh cách Jerusalem 30 km về phía đông bắc và cách Ramallah 12 km về phía đông bắc. Từ vị trí trên cao của thị trấn này, giữa Samaria và Judea trong Kinh thánh, nó nhìn ra sa mạc hoang vu, Thung lũng Jordan, Jericho và Biển Chết.


Dân làng Taybeh coi thánh George, vị thánh được sinh ra tại Lod, gần sân bay Tel Aviv - là người bảo trợ của họ. Các nhà thờ của Chính thống giáo Hy Lạp và công giáo La Mã đều đặt tên này để vinh danh ông. Trong các nhà thờ, kèm theo bức tranh của vị thánh này có kèm theo hình quả lựu vì theo truyền thống Cơ Đốc Giáo tại đây thì quả lựu là biểu tượng của sự viên mãn trong cuộc khổ nạn và sự Phục sinh của Chúa Giê-xu. Loại quả này xuất hiện như một họa tiết trong nghệ thuật tôn giáo ở Taybeh.




Một truyền thống kể rằng trong thời điểm Chúa Jesus ở tại đây, Chúa đã kể cho dân làng một câu chuyện ngụ ngôn về quả lựu. Quả lựu là loại quả có hạt ngọt được bảo vệ bởi một lớp màng đắng. Sử dụng hình ảnh này, Chúa Giê-su giải thích rằng để đạt đến sự ngọt ngào của sự Phục sinh, ngài phải trải qua sự cay đắng của sự chết.



Nhà thờ Byzantine đầu tiên được xây dựng vào thế kỷ thứ 4 mang tên Thánh George. Nhà thờ được dựng lại bởi quân Thập tự chinh vào thế kỷ 12, nằm ở ngoại ô phía đông của Taybeh, phía sau nhà thờ của chính thống giáo Hy Lạp. Nơi này được gọi là “El Khader” một cái tên thường được đặt cho St George. Bên cạnh nhà thờ Chính thống giáo Hy Lạp, có một nhà nguyện được dựng lên nhằm bảo vệ một bức tranh khảm được tìm thấy từ thế kỷ thứ 4 mô tả các loài chim và hoa.


Trong sân của nhà thờ Công giáo La Mã là một ngôi nhà Palestine 250 năm tuổi, do một gia đình Cơ đốc giáo địa phương ở cho đến năm 1974. Cổng vào được cho là đã 2000 năm tuổi, với 5 biểu tượng tôn giáo của thời đó được khắc ở mặt tiền bằng đá ở trên cánh cửa. Ngôi nhà này được biết đến với cái tên “Ngôi nhà Dụ ngôn” được gọi như vậy vì ngôi nhà và đồ đạc trong nhà của nó minh họa bối cảnh của nhiều câu chuyện ngụ ngôn về Chúa Giê-su.



Vào năm 2021, nhà khảo cổ học từ Cơ quan Cổ vật Israel (IAA) do các nhà nghiên cứu Tzachi Lang và Kojan Haku dẫn đầu đã công bố phát hiện một phiến đá khắc từ cuối thế kỷ 5 từ khung cửa ra vào của một nhà thờ, với một dòng chữ Hy Lạp khảm. Dòng chữ có nội dung “ Chúa Kitô sinh ra bởi Đức Maria .” “Công trình của vị giám mục kính sợ Chúa và ngoan đạo nhất [Theodo] sius và người khốn khổ [Thomas] được xây dựng từ nền móng. .. ”. Theo nhà khảo cổ học Dr. Walid Atrash, Theodosius là một trong những giám mục Cơ đốc giáo đầu tiên và ông từng là tổng giám mục khu vực. Nhà thờ này là bằng chứng đầu tiên về sự tồn tại của nhà thờ Byzantine trong làng Taybeh.


Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam



Comments


bottom of page