Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Khi yêu một người và xác định gắn kết với người đó đến trọn đời, cần tìm hiểu về nguồn gốc người đó như nào, bao gồm: ông bà, bố mẹ, anh chị em, bạn bè, hàng xóm, tuổi thơ và cả những buồn vui của người đó trước, sau khi khi gặp mình.
Tôi cũng vậy, khi tiếp nhận Chúa Giê-su là cứu Chúa của mình, Chúa là đường đi, là chân lý cho cuộc đời tôi, tôi cũng muốn tìm hiểu thật kỹ về Ngài, để cho niềm tin của tôi được xác quyết hơn, để tôi hiểu được Người tôi đang tôn thờ là ai.
Được tái sinh trong hội thánh Lời sự sống, khi có thông báo có chuyến hành hương về miền Đất Hứa, miền đất đầy mật và sữa với những dấu ấn của nơi này, kỷ niệm tròn 70 năm thành lập đất nước, tôi quyết định sẽ đồng hành để cùng tìm hiểu, trải nghiệm cũng như quay ngược lại lịch sử của đất nước và con người nơi đây.
Chuyến bay của đoàn chúng tôi khởi hành từ sân bay Nội Bài – Hà nội lúc 10h05 của hãng hàng không Nga – Aeroflot, bay trên bầu trời 10 tiếng, chúng tôi đáp xuống sân bay Seremetevo lúc 16:05 giờ địa phương. Có thời gian làm thủ tục quá cảnh tại đây đến 18h25phút, chúng tôi tiếp tục đáp chuyến bay đến thành phố Tel Aviv lúc 22h40 (sau hơn 4h bay).
Trước khi đi, chúng tôi được nhắc nhở an ninh tại sân bay Israel được kiểm soát vô cùng chặt chẽ và có thể chúng tôi sẽ mất nhiều thời gian ở đó, nhưng bởi Chúa biết tấm lòng chúng tôi, Chúa đãi chúng tôi mọi sự tốt lành, hải quan tại đây rất nhanh, có lẽ mỗi người chúng tôi không mất quá 5 phút để kiểm tra giấy tờ và ra ngoài.
Chờ chúng tôi ngoài sảnh sân bay là cô hướng dẫn viên người Nga, gốc Do Thái – tên là Emma… Nhìn cô không còn trẻ, nhưng qua hành trình, trong lòng chúng tôi, cô là một chiến binh Do Thái thực sự. Cô đón, đưa đoàn chúng tôi ra xe để khởi hành đến thành phố Jerusalem nhận phòng và nghỉ ngơi, chuẩn bị cho hành trình 7 ngày còn lại trên đất Do Thái với nhiều điều quá đỗi tuyệt vời.
Xuyên suốt hành trình lần này của chúng tôi tập trung chính tại 3 thành phố: Jerusalem, Tiberias và Netanya
Ngày 2-3-4: Tìm hiểu về thủ đô của Israel
Jerusalem – thủ đô, thành phố công nghiệp không khói, miếng đất màu mỡ mà ai cũng muốn chiếm lấy, nhưng lời Chúa đã chép từ bao thế kỷ nay, nơi này đã được Chúa chúc phước cho dân tộc Israel sẽ không bao giờ thay đổi. Họ đã phải trải qua bao xương máu và nước mắt suốt hơn 2000 năm để dành lại miền đất cho chính mình.
Đến Jerusalem, mỗi một nơi đi qua đều khiến chúng tôi có cảm xúc nghẹn ngào khó tả.
Bảo tàng tưởng niệm các nạn nhân bị diệt chủng Yad Vashem – nơi chúng tôi như phần nào thấu hiểu về hình phạt mà Chúa cho dân tộc này bởi sự bội tín, quay lưng lại với Ngài bằng các cuộc tàn sát người Do Thái một cách dã man tại các nước Châu Âu trong các thế kỷ trước và đặc biệt trong thế chiến thứ 2. Bảo tàng được khánh thành năm 1962 để lưu danh hơn 3 triệu (trong số hơn 6 triệu) dân Do Thái đã bỏ mạng. Hiện nay, trong các nhà sách có rất nhiều sách nói về lịch sử Do Thái, họ oằn mình cam chịu có, đấu tranh có, nhưng vẫn bị tận diệt tại các nước Châu Âu. Nơi đây ghi danh không hết những người đã nằm xuống nhưng phần nào lột tả được sự khốn khổ của họ. Nơi đây cũng ghi những người công chính trên thế giới đã đứng lên bảo vệ dân Do thái khỏi bị diệt vong: 01 bộ trưởng Thụy Sĩ đã cấp hộ chiếu cho hơn 60 ngàn dân Do Thái rời khỏi đất nước, 01 bộ trưởng ngoại giao của Hungary cũng cấp hộ chiếu cho hơn 10 ngàn dân rời đi, Mr Schindler đã cứu hơn 100 ngàn người Do thái làm việc trong nhà máy của mình…
Xe lại đưa chúng tôi đến nơi và kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện bằng hình ảnh, bằng các thước phim sống động về người anh hùng ngoại giao, đã sử dụng ngòi bút của mình để thắp lên tia hi vọng và nhắc nhở, hối thúc lòng của mỗi người dân Do Thái trên toàn thế giới hãy hoàn thành sứ mệnh của mình, quay lại với Chúa và tìm lại mảnh đất của chính dân tộc mình. Ông là con người được Chúa chọn và sử dụng. Ông đã tìm kiếm và gặp các nhà ngoại giao các nước để họ đồng ý coi Israel là một dân tộc, có một đất nước cho chính mình. Ông cũng là người lập ra phong trào Zion và viết cuốn Quốc Gia Do Thái. Ông mất khi chưa hoàn thành sứ mệnh đó, nhưng nhờ mồi lửa của ông mà dân tộc Do Thái cùng ông Ben Gurion – vị thủ tướng đầu tiên của nhà nước mới có được nền độc lập như ngày hôm nay. Ông chính là Theor Herzi
Ngày 3:
Chúng tôi tiếp tục với hành trình khám phá từng ngóc ngách của thành phố Jerusalem cổ trong lòng Jerusalem hiện đại.
Nơi đầu tiên chúng tôi đến là nhà của bà Elizabet – người sanh ra sứ đồ Giăng. Chúng tôi được tận mắt nhìn thấy sự thạnh vượng của gia đình Giăng trong những thời đó. Mỗi ngôi nhà được xây lên theo nguồn nước. Nhà thờ được tu dựng lại nhưng vẫn giữ những nguyên bản thời Chúa Giê-su và được hoạ sĩ người Ý Antonic vẽ lại.
Đến nhà mộ Chúa – nơi người Tin lành đã tìm hiểu và xác nhận Chúa chết và chôn nơi đây. Tại đây, chúng tôi được gặp gỡ và nhóm cùng hội thánh người Nga cùng với mục sư trưởng Mats-Ola. Chúng tôi cùng dự tiệc thánh, cùng xưng nhận tội mình và cầu xin sự tha tội, tẩy sạch tội lỗi trên mỗi chúng tôi. Chúng tôi cùng hát và ngợi khen danh Chúa ở nơi xa hơn Nga 5h bay và 15h bay từ Việt Nam.
Khám phá Jerusalem cổ không hề đơn giản, nó cho chúng tôi những cảm giác hồi hộp khó tả, bởi nơi đây hội tụ 4 nền tôn giáo khác nhau: Khu Hồi Giáo, khu Kitô giáo, Khu Do Thái giáo và khu Armenia. Phố nhỏ, đường nhỏ, người đông và nơi đây nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Khi chúng tôi bước vào, thành phố khá vắng người do đúng thời điểm người Hồi giáo đi cầu nguyện, chúng tôi được nhắc nhở đi nhanh chân và phải bám chặt nhau, nếu không khi tan giờ cầu nguyện, dân Hồi giáo ra đông và có thể chúng tôi bị lạc. Đúng thế, khi người Hồi giao ùa ra tại các ngả đường, họ đi như chạy, từng đoàn người rầm rập chạy trước và sau chúng tôi. Cùng với đó là cảnh sát tay cầm súng, đứng khắp các nẻo đường. Nhờ sự nhắc nhở và hướng dẫn của cô Emma, chúng tôi thoát ra khỏi khu đó và tiến gần các nơi thánh. Mỗi ngóc ngách đường phố chúng tôi đi qua, với sự diễn giải của cô Emma cùng trích dẫn của các mục sư, Jerusalem như được tái hiện qua từng thế kỷ: nơi đây tường thành Jerusalem rộng 6m từ thời Ê-xê-chi-ên, kia Jerusalem còn lại của thế kỷ thứ 2 sau khi bị người La mã chiếm, nơi này từ năm 135 dân Do Thái không còn được ở lại, kia là các cửa hàng, đường phố đi lại bị người La mã phá đi xây dựng lại, chỗ này phố Jerusalem thế kỷ thứ 5 được xây lại rộng hơn thế kỷ trước …
Để giữ được phố cổ Jerusalem, các lính nhảy dù Do thái đã hi sinh nhiều sinh mạng, những lỗ đạn vẫn còn lưu giữ trên tường thành cổng Sion
Thăm nhà thờ con gà trống, nơi Chúa Giê xu bị nhốt và nơi chúng tôi được biết hơn về sự chịu khổ của Chúa trước khi lên thập tự giá. Tận mắt nhìn thấy căn phòng nhỏ, ẩm thấp và nằm sâu phía dưới của căn nhà, nơi Chúa phải tranh chiến với thế giới thuộc linh và thuộc thể cả một đêm đằng đẵng trước khi lên với Cha trên trời. Chúng tôi thêm sâu sắc, nếm trải cặn kẽ hơn về sự chịu khổ của Ngài
Sự nếm trải tại Jerusalem của chúng tôi thật sự ấn tượng với buổi tối tại bức tường than khóc trong ngày Sabat. Nơi đây, chúng tôi thực sự nhận lãnh được Thánh Linh của Chúa ngự trị và hành động trong mỗi lòng mình. Ai đó đang cảm nhận rõ về sự than khóc của dân Chúa khi mất đi lãnh địa cuả mình, ai đó đang cảm nhận nỗi đau của dân tộc Do Thái, ai đó đang cảm nhận quyền năng của Chúa vận hành trên dân tộc này và ai đó đang than khóc hay vui mừng hoặc cầu nguyện chúc phước cho nơi đây cũng như cho chính đời sống của họ.
Ngày thứ 4:
Từ trên đỉnh núi Olive, chúng tôi ngắm nhìn toàn cảnh Jerusalem từ trên cao, một Jerusalem đã và đang oằn mình giữ nét lịch sử ngàn năm, nhưng cũng đang đổi mới và tiếp tục nhiều cuộc tranh chiến chưa kết thúc. Có 8 cổng để đi vào thành cổ, trong đó, cổng phía đông được Kinh thánh nhắc đến là nơi Chúa hiện ra và đi vào từ đó. Tuy nhiên, nơi này hiện nay do khối Palestin nắm giữ, họ đã bịt cổng thành và làm ô uế từ nơi đó. Nhưng khi Chúa vận hành, không gì có thể ngăn cản bước chân Ngài, dân tộc Israel là một minh chứng rõ ràng cho điều đó.
Vườn Ghết-sê-ma-nê – tháng 4 năm 33, nơi Chúa Giê-su cùng các môn đồ dùng bữa tiệc cuối trước khi Chúa lên thập tự, đây cũng là vừa sản xuất dầu Ôliu lớn nhất của Israel. Hiện nay, vườn còn lưu giữ và bảo tồn 8 gốc ô liu có niên đại hơn 1000 năm. Ôliu là một loại cây lạ lùng, nhìn bề ngoài như đã chết, nhưng bên dưới rễ cây vẫn có sức sống mãnh liệt. Tại đây cũng còn nhà thờ, nơi lưu giữ tảng đá – được coi là nơi Chúa cầu nguyện, mồ hôi Ngài chảy ra như máu nhỏ xuống.
Điểm đến tiếp theo là sông Giô đanh, nơi Giăng làm phép báp tem nước. Dòng sông nước ngọt duy nhất của Israel không còn rộng lớn như xưa bởi sự bồi đắp của đất, nhưng nơi đây vẫn còn dấu tích lịch sử và ai ai cũng mong muốn được báp tem nước tại nơi này.
Đoàn chúng tôi thật phước hạnh khi có 4 người được làm phép báp tem nước chính tại đây, người già nhất hơn 70 tuổi, người trẻ nhất hơn 13 tuổi, mỗi người được nhận lãnh Thánh Linh và trở nên hoàn toàn tươi mới về thuộc linh cũng như thuộc thể.
Xe lại đưa chúng tôi đến để chiêm ngưỡng và nghỉ ngơi tại Biển Chết – nằm giữa biên giới Israel, khối Palestin và Jodan. Trên thực tế, Biển Chết không phải là biển mà chỉ là một hồ nước mặt lớn nhất thế giới, có chiều dài khoảng 80km, nơi rộng nhất là 18km với độ sâu trung bình 400m. Bề mặt Biển Chết nằm ở 423m dưới mực nước biển, nơi đây được coi là điểm thấp nhất của bề mặt Trái Đất. Nồng độ mặn là 38% cao hơn rất nhiều so với nước biển đại dương trung bình khoảng 2,5%, vì vậy, sức đẩy của nước tại đây rất lớn.
Thành phố Tiberia chào đón chúng tôi với bữa ăn thật ngon, như bồi bổ thêm sức để chúng tôi tiếp tục cho hành trình của mình.
Ngày 5:
Từ Jerusalem đi đến vùng đất mới thật nhiều điều khác lạ, nếu ở Jerusalem cảm giác thuộc linh bốn phía xung quanh, dân cư đông đúc, đầu đen, đầu đỏ, đầu vàng khắp nơi, nhà nhà lớp lớp, tầng tầng, khối khối, nơi nơi đầy hình bóng, dư âm của lịch sử và các chiến sự hàng ngày thì nơi khác, bình yên đến lạ.
Jerusalem với nền công nghiệp không khói thì từ đó đến Tiberia sẽ thấy nền nông nghiệp của Israel phát triển như nào, đan xem với sa mạc khô cằn là đồng bằng xanh mướt, cây và lá mơn mởn, nhà kính (nhà bóng) trồng rau san sát 2 bên đường.
Nơi chúng tôi ghé thăm tiếp theo cho ngày thứ 5 này là nhà thờ Bát Phúc – nơi Môi-se có bài giảng trên núi về 8 phước lành từ Chúa cho những ai vâng lời Ngài. Bài giảng của mục sư Aleg Popov cùng thực địa khiến mỗi lời Kinh thánh trở nên sống động trong lòng chúng tôi.
Biển hồ Galile, hồ nước ngọt của nước Do thái và khối Palestin, nơi có nhiều phép lạ. Đi vòng quanh hồ khoảng 40km, nước xanh ngắt, ven hồ chòi ghế dan xen, cuộc sống sao thư thái, bình yên đến lạ. Cũng chính nơi này, Phi-e-rơ đã bỏ thuyền và lưới để theo Chúa. Người dường như mạnh mẽ nhất trong các môn đồ của Chúa lại cũng chính là người đã chối Chúa 3 lần, để ngày Chúa sống lại, qua lời nhắn nhủ với Ma-ri Ma-đơ-len, Phiero ăn năn quay lại với Chúa với niềm tin mãnh liệt, vững vàng hơn trong Chúa.
Đặc biệt, trên biển hồ, chúng tôi được nhóm cùng nhau với hội thánh người Nga và những người mục sư đáng kính. Nhạc nổi lên, nhìn thấy cờ Việt Nam kéo lên cùng cờ Nga, cùng hát bài quốc ca, sau đó cùng nghe mục sư Mats-Ola chia sẻ lời Chúa, cùng hát tôn vinh Ngài tại vùng biển hồ nhiều phép lạ, có lẽ với tất cả chúng tôi sẽ không bao giờ quên được cảm xúc này.
Thăm nhà Phi-e-rơ, nhìn lại những nhà hội có từ những thế kỷ 4-5, từng viên đá, hòn gạch được dân nơi đây nâng niu, gìn giữ như đang giữ nguồn gốc, lịch sử mình. Tại đây, Chúa đã vận hành phép lạ trên đoàn của chúng tôi, nhiều người được chữa lành sau khi cầu nguyện.
Chúng tôi được nghỉ ngơi, dùng bữa trưa tại nhà hàng mang tên thánh đồ Phi-e-rơ, được ăn món cá nổi tiếng của vùng biển Galile này.
Nhà thờ Capharnaum – Nhà thờ này xây dựng trên di tích của một nhà thờ thế kỷ thứ 4 và một nhà thờ thế kỷ thứ 5, là nơi Chúa Giê-su đã làm phép lạ hóa 5 chiếc bánh và hai con cá ra nhiều, đủ cho hơn 5.000 người ăn. Tại đây, chúng tôi được tự do cầu nguyện cho sự thạnh vượng của mình, gia đình, công việc và đất nước.
Vùng Galile thời Chúa Giê-su có khoảng hơn 90 nhà hội, là một cộng đồng cơ đốc giáo trong những thế kỷ thứ 4.
Ngày thứ 5 trong hành trình của chúng tôi được gọi là ngày của những người đàn ông trong Chúa, nơi chúng tôi thăm là nơi ghi dấu chân của Chúa cùng các môn đệ như: Giăng, Phi-e-rơ.
Cũng trong ngày này, chúng tôi được nhà nước Do Thái cấp chứng chỉ hành hương – như một dấu ấn trong cuộc đời theo Chúa của mình.
Ngày 6: Ngày của những người nữ trong Chúa.
Vùng đất Magdalene – nơi có người nữ Ma-ri Ma-đơ-len đã được Chúa tẩy sạch tội lỗi, trở nên con cái của Ngài, là người Chúa tạm dừng chân trên đường về với Cha để hỏi han bởi tấm lòng của Maria, là người đầu tiên rao truyền tin lành Chúa sống lại cho các môn đồ của Chúa cũng như của dân sự Ngài.
Chúng tôi được đưa đi thăm nhà hội xưa của người dân vùng Magdalene cùng nhóm lại, nghe lời Chúa. Từng chiếc ghế như những hòn đá xù xì được xếp gần nhau theo đường vòng tròn xung quang để nghe Chúa đứng giữa giảng dạy. Nơi đây, chúng tôi cũng được nhìn thấy cả tảng đá biểu tượng cho nhà hội được điêu khắc từ thế kỷ thứ nhất. Trên đó có khắc hình đồng xu hai mặt có dấu tích của vua Hê-rốt đã cai quản vùng này. Có ngọn đèn 7 chân Menorah. Có 12 chiếc lá cọ trên bề mặt tượng trưng cho 12 chi phái. Cây cọ, tượng trưng cho người công chính luôn đứng vững trong bão tố. Có hình trái tim bẻ đôi, tượng trưng cho việc bẻ bánh cùng 12 chi phái. Có hai bánh xe hai bên cùng tấm màn xé ra tượng trưng cho việc Chúa cho phép con người có thể trực tiếp tương giao với Chúa. Có ngọn lửa giữa hai bánh xe tượng trưng cho ngọn lửa của Đức Chúa Trời.
Nơi đây, chúng tôi cũng được giới thiệu về những dấu tích của thế kỷ thứ nhất được xây dựng trong nhà hội. Những viên đá với đường vân liên tục biểu tượng cho sự vĩnh cửu, liên tiếp không kết thúc. Ghế ngồi của Môi-se với tảng đá có đường rãnh hai bên, nơi dân sự đặt kinh thánh.
Chúng tôi vào nhà hội được thiết kế theo dòng thánh Phan-xi-cô. Ngay giữa sảnh nhà là nơi đặt tảng đá có khắc hình chiếc thuyền, phiên bản copy từ bảo tàng Phan-xi-cô. 80% mục vụ của Chúa Giê-su là ở bờ biển Galilea, chiếc thuyền như gắn với mục vụ Ngài và như lời Ngài nói với Phi-e-rơ: hãy đi vào biển lớn. Mỗi cột tường trong nhà gắn với tên một người nữ trong kinh thánh: Susannah Joanna, Maria Magdalene…
Chúng tôi tiếp tục hành trình qua thành phố Nazareth – nơi Chúa Giê-su sinh sống và trưởng thành. Vào nhà thờ Annunciation – được xây dựng lại trên tàn tích của nhà bà Ma-ri và ông Giô-sép bởi dòng thánh Phanxicô những năm cuối thế kỷ 20.” Trong kinh thánh nói không thờ hình tượng, nhưng nơi đây, bởi trí tưởng tượng của con người, mỗi đất nước có một hình tượng bà Ma-ri giống như hình dáng của dân đất nước mình. Hơn 100 nước với hình dáng khác nhau: Mỹ, Đức, Ý, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam…
Đi sâu vào trong nhà thờ, phía ngoài của có 2 cánh, 1 cánh tượng trưng cho thời kỳ cựu ước và 1 cánh tượng trưng cho thời kỳ tân ước. Lầu một, với kiến trúc vô cùng độc đáo của hoạ sĩ người Ý, nơi đây còn lưu giữ những bức tường cũ, cổ kính, nơi sáng, nơi tối tượng trưng cho tâm hồn trong trắng của bà Ma-ri, sự hoang mang, lo lắng, không tin chắc vào lời Chúa phán, từ bà sẽ sanh ra 01 Đấng cứu thế. Bước lên lầu, chúng tôi như choáng ngợp bởi sự xoa hoa, lộng lẫy của nơi đây. Ở đây đã toát lên toàn bộ sự xác quyết về đức tin, thành quả của bà Ma-ri về lời phán của Chúa trên mình. Chiều cao của nhà thờ với chòm mái cao hơn 30m, trên đỉnh có hình bông hoa huệ, tượng trưng cho sự trong trắng của bà Ma-ri. Trong nhà thờ cũng có bức tranh đá lớn nhất thế giới được lưu giữ.
Chúng tôi cũng được ghé thăm nơi trước kia là nhà mộc của ông Giô-sép, cũng là nơi Chúa Giê-su lớn lên và học nghề cha ở đó.
Hành trình tiếp theo của chúng tôi là tại núi Cạt-mên – nơi tiên tri Ê-li đã dâng của lễ thiêu cầu xin sự tha thứ của Chúa với dân sự Ngài vì họ đã quên lời Ngài, đã thờ các thần khác và Chúa khiến 3 năm không hề có một giọt mưa đổ trên đất, (trong khi nơi này người dân sinh sống chính bằng việc trồng nho). Tại đây, Chúa giáng lửa xuống và tiếp nhận của lễ thiêu của ông Ê-li.
Từ đỉnh núi Muhraka có thể nhìn các phía của đất Do Thái. Xa xa là thành phố Tel Aviv, Ramat Hashofet, Núi Hermon, Beit She’arim, Lebanon…
Điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là thành phố Netanya – nơi có biển xanh, cát trắng, nắng vàng tại bờ biển Địa Trung Hải
Ngày 7 – thành phố Netanya
Ngày này, chúng tôi hoàn toàn tự do nghỉ ngơi sau chuỗi hành trình dày đặc, đầy kiến thức, sự trải nghiệm thực tế với sự dẫn dẫn của cô hướng dẫn viên nhiều kinh nghiệm, đầy nhiệt huyết và với những người mục sư đầy tình yêu thương, cưu mang, mang từng lời trong kinh thánh trở nên sống động trên đời sống và nhận thức của chúng tôi.
Chúng tôi cũng có buổi trò chuyện, tổng kết lại toàn bộ hành trình đi của mình, mỗi người được nói lên cảm xúc trên vùng Đất Thánh. Nơi này cho mỗi người mỗi cảm nhận khác nhau: người thì trầm trồ với kiến trúc nơi đây, người cảm phục tấm lòng dân Do Thái chịu nhiều khổ cực để trở về miền đất của mình, người thì cảm nhận sự thông minh, giỏi giang của người dân khi phát triển đất nước trở thành quốc gia có ảnh hưởng bởi nền công nghiệp, nông nghiệp với các nước khác; người thì cảm nhận thấy tình yêu của Chúa trên đời sống mình; người thì cảm nhận kinh thánh được rõ nét hơn; người thì nhận được sức dầu của Thánh Linh khi chạm vào bức tường than khóc và có cả những người được Chúa chữa lành siêu nhiên trong chuyến đi này.
Có lẽ không thể nói hết cảm xúc của từng người, nhưng chúng tôi đều biết, sau chuyến đi, chúng tôi là những người được rất nhiều điều cả về thuộc linh cũng như thuộc thể, để mỗi bước đường theo Chúa của chúng tôi được xác quyết hơn, tình yêu của Chúa dành cho chúng tôi cũng rõ ràng hơn và lời Chúa sống động hơn trên mỗi lời Kinh thánh chúng tôi đọc được.
Sau cùng, chúng tôi ai cũng nói với nhau một câu: Tạm biệt Israel, hẹn ngày gặp lại!
-Tạ Thanh Loan-
コメント