“HOA HUỆ NGOÀI ĐỒNG” QUỐC HOA CỦA ISRAEL – LOÀI HOA TRONG MA-THI-Ơ 6:28-29.
top of page
Tìm kiếm

“HOA HUỆ NGOÀI ĐỒNG” QUỐC HOA CỦA ISRAEL – LOÀI HOA TRONG MA-THI-Ơ 6:28-29.




Có thể bạn chưa biết nhưng quốc hoa của Israel đó chính là loài hoa nổi tiếng được chép trong Ma-thi-ơ 6:28-29 “Còn về phần quần áo, các ngươi lại lo lắng mà làm chi? Hãy ngắm xem những HOA HUỆ NGOÀI ĐỒNG mọc lên thể nào; chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ; nhưng ta phán cùng các ngươi, dẫu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc áo tốt như một hoa nào trong giống đó.”.


Quốc hoa của Israel có tên khoa học là Anemone coronaria theo truyền thống được xác định chính là “hoa huệ của cánh đồng” được chép trong Kinh Thánh phía trên. Trong tiếng Do Thái, hoa này được gọi là Kalanit. Tên Kalanit (כלנית מצויה) có nguồn gốc từ Kala (כלה) có nghĩa là “Cô dâu”, vì loài hoa hải quỳ ( hoa huệ ngoài đồng ) xinh đẹp và uy nghiêm giống như một cô dâu trong ngày cưới của mình. Rõ ràng, cái tên này có nguồn gốc từ loài thực vật "Clnita, כלניתא" được đề cập trong Talmud của Babylon, Pesachim, trang 35, Trang A (בתלמוד בבלי, מסכת פסחים, דף ל"ה, עמוד א).



Hải quỳ hay còn gọi là “hoa huệ” trong Kinh Thánh là một loại cây lâu năm thân thảo mọc rộng, cao tới 20-40 cm (hiếm khi đến 60 cm), với một số ít lá hình hoa thị gốc, các lá có ba lá chét, mỗi lá chét chia thùy sâu. Hoa mọc đơn độc trên một thân cây cao với một chùm lá nhỏ ngay dưới hoa; hoa có đường kính 3-8 cm, với 5-8 lá đài giống hình cánh hoa màu đỏ, trắng hoặc xanh. Nghiên cứu gần đây ở Israel đã chỉ ra rằng có một cơ sở di truyền cho sự biến đổi về màu này, điều đó giải thích cho sự thống trị của một màu nhất định trong một khu vực cụ thể. Chẳng hạn, xung quanh Giê-ru-sa-lem, hình dạng màu đỏ thường xuất hiện nhiều hơn màu xanh lam, trong khi trên các sườn núi đá bazan ở phía bắc Biển Ga-li-lê, sườn đồi lốm đốm những bông hoa màu xanh và trắng.


Trong Kinh Thánh thì lần đầu tiên “hoa huệ ngoài đồng” hay còn gọi là hải quỳ này được nhắc đến như là bông hoa trang trí cho các bể rửa ở hành lang của đền thờ thứ nhất ( I Sử ký 4:5 ). “Hoa huệ ngoài đồng” được nhắc đến nhiều trong sách Nhã Ca của Sa-lô-môn như là loài hoa tượng trưng cho sự đẹp đẽ. “Hoa huệ ngoài đồng” là loài hoa thường mọc nhiều vào mùa xuân, hoa mọc vào các tháng 12,1,2,3,4. “Hoa huệ ngoài đồng” thường mọc tại các khu rừng, cây bụi tại Israel, hoa này còn có mặt ở sa mạc, thảo nguyên hay các tại các thảm thực vật ở nút Hẹc-môn. Chính vì vậy mà Nhã ca 6:3 có nhắc đến việc chăn bầy ở “.. giữa đám hoa huệ.”



“Hoa huệ ngoài đồng” cũng là loài hoa cực kỳ đẹp đẽ, mỗi khi vào mùa hoa nở cả cánh đồng dường như rực lửa từ sắc hoa đỏ thắm của nó. Lu ca 12:27 có chép “Hãy xem hoa huệ mọc lên thể nào: Nó chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ; song ta phán cùng các ngươi, dầu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc áo như một hoa nào trong giống ấy.” Điều này cho thấy không có sắc màu nào của con người có thể sánh được với vẻ đẹp của loài hoa mà Chúa ban cho trong tự nhiên.



Nhắc đến quốc hoa của Israel, hình ảnh của “Hoa huệ ngoài đồng” cũng là lời nhắc về sự chu cấp siêu nhiên của Chúa khi con người đối diện với sự lo lắng. Kinh Thánh Ma-thi-ơ 6:30-33 chép “Hỡi kẻ ít đức tin, loài cỏ ngoài đồng, là giống nay còn sống, mai bỏ vào lò, mà Đức Chúa Trời còn cho nó mặc đẹp thể ấy thay, huống chi là các ngươi!”


Kinh thánh nói tiếp “Ấy vậy, các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? Uống gì? Mặc gì? Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi.”


Và việc chúng ta cần “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa. Vậy, chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy.”


Biên tập bởi Mục vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam.


bottom of page