Rosh Hashanah chính là ngày đầu tiên của năm và là năm mới của người Do Thái, theo truyền thống thì đây là ngày Chúa tạo dựng nên A-đam và E-va. Rosh Hashanah chính là ngày sinh nhật của vũ trụ, của thế giới và là sinh nhật chung của toàn thể loài người.
Rosh Hashanah với người Do Thái thực sự có nghĩa như là “Người đứng đầu của năm”, giống như phần đầu của cơ thể, Rosh Hashanah có tác động to lớn đến một năm mới sắp đến. Người Do Thái cũng thường gọi ngày đầu tiên này là Yom Hazikaron (Ngày nhớ lại) và Yom Hadin (Ngày phán xét) vì đây là ngày Đức Chúa Trời nhớ lại tất cả những sáng tạo của Ngài và quyết định số phận của họ trong năm tới “ai sẽ sống, ai chết, ai giàu, ai nghèo…”
Theo Kinh Thánh thì đây chính là ngày NHÓM HIỆP THÁNH, với người Do Thái thì đây là ngày lễ trọng YOM TERUAH (Lễ Thổi Kèn) một trong các lễ trọng được Chúa truyền phải giữ. Lễ này được truyền phán trong Xuất Ê-díp-tô-ký 23:23-24 “Đức Giê-hô-va lại phán cùng Môi-se rằng: hãy truyền cho dân Y-sơ-ra-ên rằng: Ngày mồng một tháng bảy, sẽ có cho các ngươi một ngày nghỉ, một lễ kỷ niệm lấy tiếng kèn thổi mà rao truyền, tức là một sự nhóm hiệp thánh vậy.” ( Lịch Do Thái thì tháng 7 theo Kinh Thánh là tháng 1 và là đầu năm theo lịch dân sự Israel )
Cùng với Lễ Chuộc Tội Yom Kippur sẽ diễn ra 10 ngày sau đó, Lễ Thổi Kèn là một phần của Yamim Nora'im (Các ngày lễ trọng) của người Do Thái.
Theo đó có những điều người Do Thái là vào năm mới Rosh Hashanah hay ngày Lễ Thổi Kèn như sau.
THỔI VÀ NGHE TIẾNG KÈN SOFAR.
Lời Chúa trong Kinh Thánh dạy cho người Do Thái về việc chính yếu nên làm vào ngày đầu tiên của năm mới Rosh Hashanah của người Do Thái đó là nghe và thổi Sofar. Trọng tâm của lễ Rosh Hashanah là những tiếng thổi Sofar từ sừng của con cừu đực. Những tiếng Sofar như là lời chúc mừng sự đăng quang của Vua, Chúa trong một năm mới. Sừng của cừu đực được thổi lên như là sự ăn năn và là lễ vật dâng lên cho Chúa. Đây là hình ảnh tượng trung cho của dâng Y-sác được dâng lên bàn thờ, cũng là hình ảnh của Chúa Jesus, chiên con được hy sinh thay thế cho tội lỗi con người để dẫn mọi người đến với sự tha tội.
LỜI CHÚC ĐẦU NĂM MỚI.
Trong đêm đầu tiên của năm mới người Do Thái sẽ chúc nhau lời chúc “Cầu mong bạn được khắc ghi và niêm phong trong một năm mới tốt lành” với đàn ông là, " Leshanah tovah tikatev vetichatem;" còn với phụ nữ sẽ là " Leshanah tovah tikatevee vetichatemee" . Vì là ngày mà người Do Thái tin, Chúa sẽ ghi vào sách của Ngài, cho một năm sắp đến của một người, sẽ thế nào nên người ta thường chúc nhau “Gemar chatimah tovah ” “Chúc bạn có được những lời tốt trong sách sự sống”.
NGHI THỨC THẮP NẾN ĐẦU NĂM.
Việc đầu tiên trong năm mới của người Do Thái là họ thắp sáng các ngọn nến. Như mọi ngày lễ lớn của người Do Thái, phụ nữ và trẻ em gái là người thắp nến vào mỗi buổi tối của lễ Rosh Hashanah.
Họ sẽ đọc lời cầu nguyện sau : “Chúc tụng Chúa là Đức Chúa Trời, Chúa là Chúa của chúng tôi, là Vua của cả vũ trụ. Chúa là Đấng đã thánh hóa chúng tôi bởi các điều răn Ngài. Ngài dẫn dắt chúng tôi để thắp sáng một ngày tốt lành.”
LỜI CẦU NGUYỆN CỦA SỰ KHỞI ĐẦU ( Shehechiyanu ).
Đây là lời cầu nguyện CỦA NHỮNG THỜI KHẮC MỚI vì vậy vào đầu năm mới họ sẽ cầu nguyện lời này.
“Chúc tụng Chúa là Đức Chúa Trời, Chúa là Chúa của chúng tôi, là Vua của cả vũ trụ. Chúa là Đấng đã thánh hóa chúng tôi bởi các điều răn Ngài. Chúa đã nâng đỡ và gìn giữ mạng sống của chúng tôi. Đấng đã dẫn chúng tôi đến với thời điểm ( năm mới ) này.”
LỜI CHÚC LÀNH CHO BÁNH MỲ (Hamotzi).
Trước khi dùng bữa, người ta sẽ cầu nguyện bài cầu nguyện Hamotzi (lời cầu nguyện chúc phước cho bánh mì). Đây cũng là một nét đặc trưng của bữa ăn vào ngày Shabbat tối thứ Sáu hằng tuần. Theo đó lời chúc phúc này được thực hiện với bánh mỳ bện, loại bánh mỳ trứng to, xoắn truyền thống.
Bài cầu nguyện giống với bài cầu nguyện ở ngày Shabbat với nội dung như sau :
“Chúc tụng Chúa là Đức Chúa Trời, Chúa là Chúa của chúng tôi, là Vua của cả vũ trụ. Chúa là Đấng đã thánh hóa chúng tôi bởi các điều răn Ngài. Đấng ban bánh từ đất cho chúng tôi”
Theo truyền thống người Do Thái cũng cầu nguyện chúc phước cho những chiếc bánh tròn, tượng trưng cho vòng tròn của cuộc sống và các mùa xoay vần. Họ làm điều này với mong muốn năm tới sẽ là một năm ngọt ngào như những chiếc bánh mì ngọt được làm ngọt bằng nho khô và mật ong.
LỜI CẦU NGUYỆN CHÚC PHƯỚC CHO TRÁI CÂY.
Một phong tục nổi tiếng và phổ biến nhất của Rosh Hashanah là người ta sẽ ăn táo nhúng mật ong. Họ làm điều này với mong muốn sẽ có một năm mới ngọt ngào.
Có một lời cầu nguyện chúc phước dành cho trái cây như sau : “Chúc tụng Chúa là Đức Chúa Trời, Chúa là Chúa của chúng tôi, là Vua của cả vũ trụ. Chúa là Đấng đã thánh hóa chúng tôi bởi các điều răn Ngài. Đấng đã tạo ra trái cây cho chúng tôi.Cầu xin ý muốn của Đức Chúa Trời, Vua chúng ta ban cho chúng ta một một năm mới tốt lành và ngọt ngào.”
LỜI CẦU NGUYỆN CHÚC PHƯỚC SAU BỮA ĂN (Birkat Hamazon )
Sau bữa ăn, người ta đọc lời cầu nguyện Birkat Hamazon , "lời cầu nguyện chúc phước sau bữa ăn", bao gồm tất cả các phần đặc biệt khác để đánh dấu lễ hội Rosh Hashanah.
LÀM NGHI THỨC TASHLICH.
Vào buổi chiều đầu tiên của lễ Rosh Hashanah (với điều kiện đó không phải là Shabbat ), theo thông lệ, người Do Thái sẽ đi đến một vùng nước (đại dương, sông, ao, v.v.) và thực hiện nghi lễ Tashlich, giũ góc áo xuống nước, theo truyền thống đó là việc họ trút tội lỗi xuống nước. Người Do Thái làm điều này để được Chúa thương xót và bỏ qua tội lỗi như lời chép trong Mi-chê 7:19 “Ngài sẽ còn thương xót chúng tôi, dập sự gian ác chúng tôi dưới chân Ngài; và ném hết thảy tội lỗi chúng nó xuống đáy biển.”.
CẦU NGUYỆN – CẦU NGUYỆN – ĐỌC KINH THÁNH.
Phần lớn thời gian trong ngày lễ thổi kèn của người Do Thái là ở trong hội đường, tại đây họ cầu nguyện để Đức Chúa Trời ban cho tất cả những sáng tạo của Ngài một năm mới ngọt ngào.
Tại nhà Hội, ngày đầu tiên người Do Thái sẽ đọc Kinh Thánh về sự đời của Y-sác và trục xuất Ích-ma-ên trong sách Sáng thế ký 21. Ngày thứ hai họ sẽ đọc sách Sáng thế ký 22 nói về sự kiện dâng Y-sác của Áp-ra-ham để bày tỏ đức tin nơi Chúa. Ngoài ra họ sẽ đọc lại những lời Chúa dành cho dân tộc Do Thái, về tình yêu vĩ đại của Chúa dành cho dân tộc của Ngài.
QUẢ LỰU.
Vì Rosh Hashanah là một lễ hội kéo dài hai ngày, tất cả các nghi lễ trên được lặp lại vào buổi tối thứ hai cũng như có thêm phong tục ăn hoa quả mới.
Thông thường người ta sẽ ăn một loại trái cây mới là lựu . Đây là loại trái cây Rosh Hashanah phổ biến vì nó được coi là một trong những loại trái cây được ban phước của vùng đất Israel như trong Phục truyền luật lệ ký 8: 8. Ngoài ra người ta tin là quả lựu có 613 hạt trong mỗi quả, tương ứng với 613 điều răn trong Kinh thánh Chúa đã truyền cho dân Do Thái.
ĐẦU CÁ.
Nhiều người sẽ ăn đầu cá vào ngày đầu năm mới với mong muốn ở ĐÀNG ĐẦU CHỨ KHÔNG PHẢI ĐÀNG ĐUÔI như trong Phục truyền 28:14 có chép : Nếu ngươi nghe theo các điều răn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi mà ngày nay ta truyền cho ngươi gìn giữ làm theo, và nếu không lìa bỏ một lời nào ta truyền cho ngươi ngày nay, mà xây qua bên hữu hoặc bên tả, đặng đi theo hầu việc các thần khác, thì Đức Giê-hô-va sẽ đặt ngươi ở đằng đầu, chớ chẳng phải đằng đuôi, ngươi sẽ ở trên cao luôn luôn, chớ chẳng hề ở dưới thấp.
Khi Rosh Hashanah rơi vào thứ Năm và thứ Sáu, theo truyền thống, người ta sẽ mang một đĩa gồm bánh mỳ, cá hoặc thịt nấu chín hoặc trứng luột và đọc lời chúc phúc có tên là Eruv Tavshilin ( Nhờ có Eruv này mà chúng tôi được phép nấu, nướng, giữ ấm thức ăn, mang theo, thắp nến và làm mọi công việc chuẩn bị trên Yom Tov cho Shabbat ) trước khi thắp nến vào đêm đầu tiên. Sau khi ban phước, món đồ ăn đó được cất đi và để dành để ăn trong ngày lễ Shabbat.
Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam.
Commentaires