Kinh Thánh có ghi chép hai thành phố mang tên Sê-sa-rê, một thành phố nằm trong vùng Ga-li-lê mang tên là Sê-sa-rê Phi-líp (Ma-thi-ơ 16:13; Mác 8:27). Một thành phố khác mang tên là Sê-sa-rê nằm ven biển, được ghi chép chủ yếu ở trong các sách Công vụ và để phân biệt, thành phố ven biển này được gọi là Sê-sa-rê Maritima (Caesarea Maritima).
Cả hai thành phố đều là những nơi ghi dấu ấn về các sự kiện ở trong Kinh Thánh, nổi bật nhất tại Sê-sa-rê Phi Líp chính là sự kiện Chúa bày tỏ mình là Đấng Christ và lời công bố “ta sẽ lập Hội thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó.” Ma-thi-ơ 16:18.
Tại thành phố cảng biển Caesarea Maritima, Địa Trung Hải hấp dẫn, Kinh Thánh chép “Trong thành Sê-sa-rê, có một người tên là Cọt-nây, làm đội trưởng của đội binh gọi là Y-ta-li.” Đây là người ngoại đầu tiên tiếp nhận Chúa mà sách công vụ ghi lại. Chính sứ đồ Phi-e-rơ đã làm phép báp têm cho ông. Khi người lính Ý Cọt-nây cùng gia đình tin Chúa thì họ đã nhận được món quà của Đức Thánh Linh và bắt đầu nói tiếng lạ . Sự kiện này đã làm kinh ngạc các Cơ đốc nhân Do Thái nhưng chứng thực sự thật rằng sự cứu rỗi là dành cho tất cả mọi người (Công vụ 10).
Thành Sê-sa-rê Maritima (Caesarea Maritima) ven biển này là thành phố của thầy phó tế, nhà truyền giáo Philip và bốn cô con gái cũng những nữ tiên tri của ông. Tại nhà Phi-líp khi Phao lô đến ở lại, có một nhà tiên tri tên là A-ga-bút đã dùng thắt lưng trói tay và chân của Phao-lô, báo trước về việc sứ đồ sẽ bị giao cho người Rô-ma. (Công vụ 21: 8-11). Thành phố này cũng là nơi Phao lô bị bắt giam, cũng ở nơi này ông cũng đã rao giảng lời Chúa cho các vua (Công vụ 23: 23—26: 32; 25; 26 ).
Sau khi Jerusalem bị phá hủy, Sê-sa-rê Maritima trở thành trung tâm của Cơ đốc giáo ở Palestine . Vào năm 195 SCN một hội đồng giáo hội đã diễn ra ở đây và xác định rằng Lễ Phục sinh nên được cử hành vào một ngày Chủ nhật.
Sê-sa-rê Maritima là một thành phố giàu lịch sử. Vua Hê-rốt đã xây dựng cung điện của mình ở đây, và vào năm 6 SCN, nó trở thành thủ đô hành chính cho các thống đốc La Mã của Judea. Thành phố này chính là trụ sở của Bôn-xơ Phi -lát, từ đây ông đã đi lên Jerusalem trong kỳ lễ Vượt Qua, nơi mà ông đã kết án tử hình Chúa Jesus.
Vào năm 1961, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một tảng đá khắc mang tên Bôn-xơ Phi -lát tại thủ phủ Sê-sa-rê này. Đây là một phát hiện rất quan trọng vì cho đến nay, tảng đá này là tài liệu khảo cổ học duy nhất về Pontius Pilate (Bôn-xơ Phi -lát ). Chính tảng đá này đã chứng thực lời tường thuật trong Kinh thánh về sự tồn tại của một người tên là Pontius Pilate. Tảng đá với các dòng chũ khắc trên đó, nói đến một tòa nhà được xây dựng và dành riêng bởi Pontius Pilate (Bôn-xơ Phi -lát). Phiến đá gốc đó ngày nay được chuyển đến bảo tàng ở Jerusalem và đó cũng là một lời nhắc nhở rằng đức tin Cơ đốc là hiện thực hơn bao giờ hết.
Sê-sa-rê Maritima trước đây vốn là một trong những thành phố quan trọng nhất ở Judea. Thành phố này là nơi chứng kiến rất nhiều hoạt động thương mại và chính trị lớn. Nhưng ngày nay nó chỉ còn những tàn tích. Thành phố này từng là nơi tàn sát hơn 20 000 người Do Thái trong các cuộc nổi dậy. Năm 307, khi người La mã bắt đầu bắt bớ Đạo Chúa thì đây là nơi bắt bớ Cơ Đốc Nhân khốc liệt nhất. Sử gia Eusebius, người cũng đến từ Caesarea Maritima, đã ghi lại rằng nhà tù chứa đầy những người theo đạo Cơ đốc dưới thời Diocletian.
Cũng bởi những điều đó mà ngày xưa, đây vốn là thành trì lớn, hùng mạnh, đẹp đẽ với nhà hát, hý trường, pháo đài… nhưng giờ đây chỉ còn lại những đống đổ nát, hoang tàn mà người ta có thể nhìn thấy rõ.
Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam
Comentários