Ý NGHĨA QUAN TRỌNG CỦA LỄ LỀU TẠM MÀ CHÚNG TA CẦN BIẾT.
top of page
Tìm kiếm

Ý NGHĨA QUAN TRỌNG CỦA LỄ LỀU TẠM MÀ CHÚNG TA CẦN BIẾT.




Hôm nay, thứ bảy, ngày 30 tháng 9 năm 2023 nhằm ngày 15 tháng Tishrei năm 5784 theo lịch Do Thái Giáo. Hôm nay chính là ngày đầu tiên của Lễ Lều Tạm ( Sukkot) của người Do Thái. Đây là một trong ba LỄ TRỌNG NHẤT của người Do Thái như trong Phục truyền 16:16 có chép vào ngày này “Mọi người nam trong các ngươi, mỗi năm ba lần, phải ra mắt Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tại nơi mà Ngài sẽ chọn: tức là nhằm lễ bánh không men [Lễ Vượt Qua], lễ bảy tuần [Lễ Ngũ Tuần hay lễ Đức Thánh Linh Giáng Lâm] và lễ lều tạm [Sukkot]; người ta chẳng nên đi tay không ra mắt Đức Giê-hô-va.”


Cũng có lý do khi mà Lễ Lều Tạm là kỳ quan trọng nhất trong các kỳ lễ mà Chúa dặn dân Do Thái phải giữ như là một “LỆ ĐỊNH ĐỜI ĐỜI cho dòng dõi các ngươi” Lê-vi-ký 23:41. Nếu hiểu rõ về lễ này, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về ngày cuối cùng cũng như Chúa Cứu Thế như là nguồn nước của sự sống, sự sáng của thế gian và là Vua trên muôn vua.


Ngày Lễ Lều Tạm là kỳ vui mừng nhất trong các kỳ lễ, khi mà dân sự vừa được Chúa tha thứ trong kỳ lễ chuộc tội năm ngày trước đó. Đây chính là hình ảnh của việc chúng ta được cứu chuộc để cùng nhau vui mừng dự Tiệc Cưới của Chiên Con.


Ngày lễ này có liên hệ đến vụ thu hoạch cuối cùng của năm cũng là hình ảnh của mùa gặt khi mà những linh hồn cuối cùng quay trở về trước sự trở lại của Đấng Mê-si.


Vào dịp lễ Lều Tạm, người Do Thái phải ở trong các Lều Tạm để nhắc nhớ đến những ngày sống trong Lều Tạm khi được cứu chuộc ra khỏi Ai-cập. Hình ảnh Đền Tạm ở giữa họ cũng là hình ảnh của Chúa ở giữa dân sự Ngài trong mọi hoàn cảnh. Như Giăng 1:14a chép “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật” Điều này nhắc chúng ta về việc Chúa mang chúng ta ra khỏi thế gian để ở cùng chúng ta và dẫn dắt chúng ta trong hành trình Đất Hứa của mình.


Vào Lễ Lều Tạm, Chúa truyền lệnh cho dân Do Thái ăn mừng bằng cách “lấy trái cây tốt, tàu chà là, nhành cây rậm và cây dương liễu, rồi vui mừng trong bảy ngày trước mặt Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của các ngươi.” Lê vi ký 23:40 Như là hình ảnh trước về việc Chúa Jesus được tung hô khi Chúa vào thành phố Jerusalem và hình ảnh “vô số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi phái, mọi dân tộc, mọi tiếng mà ra; chúng đứng trước ngôi và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng, tay cầm nhành chà là,”


Trong thời kỳ đền thờ thứ hai, người Do Thái có thêm một số các nghi thức thêm vào trong Lễ Lều Tạm. Đó là việc các thầy tế lễ đã mang nước từ hồ Si-lô-ê, nước này được coi như là “nước sự sống” để dâng lên trong Đền Thờ. Cũng vào Lễ Lều Tạm năm đó, “Ngày sau cùng, là ngày trọng thể trong kỳ lễ, Đức Chúa Jêsus ở đó, đứng kêu lên rằng: Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống. Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh thánh đã chép vậy.” Giăng 7:37-38


Ngày hôm sau lễ, Chúa Giê-su tìm thấy một người mù “Ngài nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, và đem xức trên mắt người mù. Đoạn, Ngài phán cùng người rằng: Hãy đi, rửa nơi ao Si-lô-ê (nghĩa là chịu sai đi). Vậy, người đi đến ao đó, rửa, và trở lại, thì được thấy rõ.” Giăng 9:7. Tại đây chính nơi thầy tế lễ lấy “nước sự sống” Người mù vâng lời và được chữa lành. Giống như người mù, chúng ta cũng có cơ hội nhìn thấy bằng đôi mắt tâm linh của mình và được thanh tẩy với Nước Hằng Sống từ Chúa Cứu Thế Jesus.


Vào thời kỳ đền thờ thứ hai, ngoài lễ mang nước về đền thờ thì vào ngày đầu tiên của Lễ Đền tạm, dân chúng tập trung ở Đền Thờ tại khu trung tâm. Tại đây, người ta thắp sáng bốn ngọn đèn lớn, ánh sáng này sáng đến nỗi người ta nói rằng mọi sân trong Giê-ru-sa-lem đều được thắp sáng.


Chỉ vài ngày sau, chính tại khu vực này của đền thờ, Đấng Christ đã tuyên bố rằng “Ta là sự sáng đã đến thế gian, để ai tin ta, chẳng ở nơi tối tăm nữa. " Giăng 12:46 Cũng như ánh sáng từ những ngọn đèn chiếu khắp thành phố, thì cũng vậy ánh sáng của Đấng Christ cũng sẽ tỏa sáng khắp thế gian cho mọi người nhìn thấy.


Trong Kinh Thánh, lễ hội mùa thu cũng có liên quan đến một số sự kiện quan trọng khác. Theo truyền thống Do Thái thì vào thời điểm này, các vị vua thường được xức dầu như vua của Y-sơ-ra-ên. Đền thờ của Solomon cũng được khánh thành trong Lễ Lều Tạm Sukkot, và Chúa đã hiện diện để nhận Đền thờ của Người. Vào kỳ lễ này, chúng ta mong chờ Đấng Christ với tư cách là Vua của các Vua, sẽ hiện diện trong Hội Thánh và trong những nơi thờ phượng của Ngài.


Tiên tri Xa-cha-ri đã chép rằng sẽ có một ngày tất cả các quốc gia sẽ cùng ăn mừng Lễ Lều Tạm Sukkot khi Chúa Giê-su Christ trở lại. “Xảy ra hết thảy những kẻ nào còn sót lại trong mọi nước lên đánh Giê-ru-sa-lem, sẽ lên đó hàng năm đặng thờ lạy trước mặt Vua, là Đức Giê-hô-va vạn quân, và giữ lễ lều tạm.” Xa-cha-ri 14:16


Lễ Lều Tạm là một thời gian tuyệt vời để vui mừng khi chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng chờ đợi sự trở lại khải hoàn của Chúa Cứu Thế chúng ta,

Kinh Thánh dạy rằng khi tiếng kèn vang lên vào lúc Đấng Christ đến, thì “mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống,”


Và sẽ tuyệt vời biết bao khi những người từ mọi quốc gia tụ họp lại với nhau và mở tiệc ăn mừng cùng với Chúa của chúng ta, là Chúa Cứu Thế Jesus.


Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam.


bottom of page