Ý NGHĨA ĐẰNG SAU MENORAH – ĐÈN BẢY NGỌN.
top of page
Tìm kiếm

Ý NGHĨA ĐẰNG SAU MENORAH – ĐÈN BẢY NGỌN.



ÁNH SÁNG TRONG CÂY ĐÈN BẢY NHÁNH – ĐÈN PHẢI SÁNG LUÔN LUÔN VÀ ĐÓ LÀ MỘT LUẬT ĐỜI ĐỜI.

Nếu bạn nhìn vào các phát hiện khảo cổ ở Israel và trong các tòa nhà cổ đại tại vùng Đất Thánh. Bạn sẽ nhận thấy rằng biểu tượng của menorah xuất hiện hết lần này đến lần khác. Trong nhiều thiên niên kỷ, nó là biểu tượng của người dân Israel từ rất lâu trước khi có biểu tượng rất phổ biến ngày nay là Ngôi sao David. Tại sao biểu tượng này xuất hiện nhiều hơn bất kỳ biểu tượng nào khác như vậy?

Có thể nói, đèn Menorah (Cây đèn bảy ngọn) chính là ý tưởng của Chúa. Nó xuất hiện lần đầu trong Xuất Ê-díp-tô Ký 25:31-36, khi Đức Chúa Trời hướng dẫn họ cách thực hiện: “Ngươi cũng hãy LÀM CHÂN ĐÈN bằng vàng ròng. CÁI CHÂN, CÁI THÂN, CÁI ĐÀI, CÁI BẦU cùng CÁI HOA CỦA ĐÈN đều làm bằng vàng đánh dát. HAI BÊN THÂN ĐÈN sẽ có sáu nhánh nứt ra, ba nhánh ở bên nầy và ba nhánh ở bên kia. Trong sáu nhánh nứt ra TRÊN CHÂN ĐÈN, mỗi nhánh đều sẽ có ba cái đài hình như hột hạnh nhân cùng bầu và hoa. TRÊN THÂN CHÂN ĐÈN, lại cũng sẽ có bốn cái đài hình hột hạnh nhân, bầu và hoa. Trong sáu nhánh từ thân chân đèn nứt ra, hễ cứ mỗi hai nhánh thì dưới có một cái bầu. Bầu cùng nhánh của chân đèn đều bằng vàng ròng nguyên miếng đánh dát. Ngươi cũng hãy làm bảy CÁI THẾP ĐÈN, đặng hễ khi thắp thì chiếu trước chân đèn. KÉO BẮT TIM cùng ĐỒ ĐỰNG TÀN ĐÈN cũng sẽ bằng vàng ròng. Người ta sẽ dùng một ta-lâng,vàng ròng LÀM CHÂN ĐÈN nầy và các ĐỒ PHỤ TÙNG CỦA CHÂN ĐÈN. Vậy, ngươi hãy xem, cứ làm y như kiểu đã chỉ cho trên núi.”

Hê-bơ-rơ chương 8 cho rằng tất cả những vật mà Đức Chúa Trời bảo Môi-se làm ra chính là“hình và bóng của những sự trên trời” Chúng ta hãy nhìn vào Menorah (Cây đèn bảy ngọn) mà Chúa đã hướng dẫn cách chi tiết phía trên. Menorah (Cây đèn bảy ngọn) có ý nghĩa gì?

ÁNH SÁNG TRONG CÂY ĐÈN BẢY NHÁNH.


Kinh Thánh trong Xuất Ê-díp-tô-ký 27:20-21 cũng chép tiếp “Ngươi hãy truyền cho dân Y-sơ-ra-ên đem đến dầu lọc ô-li-ve ép, đặng thắp đèn cho ĐÈN SÁNG LUÔN LUÔN. Trong hội mạc, ở ngoài màn, trước hòm bảng chứng, A-rôn cùng các con trai người sẽ lo sửa soạn đèn, hầu cho trước mặt Đức Giê-hô-va ĐÈN CHÁY LUÔN LUÔN TỪ TỐI CHO ĐẾN SÁNG. Ấy là một LUẬT ĐỜI ĐỜI cho dòng dõi dân Y-sơ-ra-ên phải giữ.”

Tại sao Chúa lại truyền cho dân sự Chúa một “luật đời đời” rằng đèn phải SÁNG LUÔN LUÔN?

Trước hết, ánh sáng do Menorah (Cây đèn bảy ngọn) trong căn lều sẽ là biểu tượng mạnh mẽ cho sự sáng, sự thánh khiết của Chúa trong thế giới đen tối và đầy tội lỗi của chúng ta. Truyền thống Do Thái cho rằng Menorah (Cây đèn bảy ngọn) nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên rằng họ được kêu gọi để trở nên Thánh Khiết và là “Ánh sáng cho các dân tộc” của Ngài như Đức Chúa Trời đã quy định trong Ê-sai 42: 6 “Ta, Đức Giê-hô-va, đã kêu gọi ngươi trong sự công bình; ta sẽ nắm tay ngươi và giữ lấy ngươi. Ta sẽ phó ngươi làm giao ước của dân nầy, làm sự sáng cho các dân ngoại,” Menorah nhẹ nhàng lan tỏa ánh sáng như lời Chúa phán trong Xa-cha-ri 4:6 “Ấy chẳng phải là bởi quyền thế, cũng chẳng phải là bởi năng lực, bèn là bởi Thần ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy.”, khi nhà tiên tri hỏi về sự hiện thấy về cây đèn Menorah.

Menorah cũng là biểu tượng của việc mang lại vinh quang, lẽ thật và ánh sáng của Chúa đến với thế giới này. Chúa Jesus đã dạy trong Ma-thi-ơ 5:14-16 rằng “Các ngươi là sự sáng của thế gian; một cái thành ở trên núi thì không khi nào bị khuất được: Cũng không ai thắp đèn mà để dưới cái thùng, song người ta để trên chân đèn, thì nó soi sáng mọi người ở trong nhà. Sự sáng các người hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời.”. Chúng ta được kêu gọi để trở nên sự sáng và là nhân chứng cho Chúa.

Trong Giăng 8:12 Chúa đã nói “Ta là sự sáng của thế gian; người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống.” Menorah là hình bóng của Đấng Mê-si đang đến và đã đến. Menorah cũng chính là sự sáng ở trong chính những người tin nhận chính Ngài.

Chúng ta chính là sự sáng của cây đèn thánh mà Chúa đặt để ở thế gian này. Xin Chúa giúp để ánh sáng của chúng ta sẽ bày tỏ ra cho nhiều người chưa biết đến Chúa.

CÂY SỰ SỐNG


Truyền thống Do Thái cho rằng các nhánh của Menorah là hình ảnh của cây sự sống ở trong vườn Ê-đen. Cây sự sống này cũng như cây đèn bảy nhánh được nhắc đến trong Sáng thế ký và trong sách Khải Huyền. A-đam và Ê-va đã bị trục xuất khỏi cây sự sống và trong Khải Huyền 22 cho chúng ta biết rằng “Phước thay cho những kẻ giặt áo mình đặng có phép đến nơi cây sự sống”. Do đó, menorah nói về cuộc sống vĩnh cửu với Đức Chúa Trời dành cho những ai được phiếu trắng bởi huyết của Chúa Jesus. Chính Chúa Jesus đã nói “TA LÀ GỐC NHO thật, Cha ta là người trồng nho…. Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong ta, thì cũng không kết quả được.” trong Giăng 15:1-4. Ngài là cây, và chỉ trong Ngài, chúng ta mới có thể sống thuộc linh và sinh hoa kết trái.

BẢY NHÁNH ĐÈN

Con số bảy cũng chính là con số trọn vẹn hay là con số hoàn thành của Đức Chúa Trời. Giống như cầu vồng hay một tuần, bảy nhánh trong một cây đèn đại diện cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời ở giữa dân sự Chúa. Trong Khải Huyền thì chân đèn tượng trưng cho sự hiện diện của Thánh Linh trong các Hội Thánh.

HẠNH NHÂN - HAI CÂY Ô-LI-VE VÀ CHÚA JESUS.

Có thể nói trang trí chủ đạo mà Chúa hướng dẫn dân sự Chúa làm với đèn bảy nhánh Menorah đó chính là hạnh nhân. Tại sao hạnh nhân lại nở trên menorah?  Mọi chi tiết trên đèn đều có ý nghĩa.

Cây hạnh nhân được lần tiên được nhắc đến trong Kinh thánh như là sản vật quý nhất tại Ca-na-an nơi Gia cốp sống “Đoạn, Y-sơ-ra-ên, cha các anh em, nói rằng…hãy lấy những thổ sản quí nhứt của xứ ta: Một ít nhũ hương và mật ong, các hương hoa và một dược, phi tử và HẠNH NHÂN, ….(Sáng thế ký 43:11). Lần thứ hai Kinh Thánh nhắc đến đó chính là khi Chúa chỉ cho Môi-se cách để làm cây đèn Menorah – Cây đèn bảy nhánh linh thiêng này.

Khi thẩm quyền của thầy tế lễ Aaron bị thẩm vấn, và cây hạnh nhân của ông đã ra hoa, nở hoa và kết trái qua đêm như sự xác nhận từ Chúa. “Ngày mai, khi Môi-se vào Trại bảng chứng xảy thấy cây gậy A-rôn về nhà Lê-vi đã trổ hoa: nó có nứt mụt, sanh hoa và trái hạnh nhân chín.” (Dân số ký 17:8) Đây chính là hành động bày tỏ sự bảo vệ và sự lựa chọn của Chúa. Chúa xác nhận chức vụ của A-rôn để bảo vệ ông trước dân sự Do Thái.

Khi Đức Chúa Trời cho Giê-rê-mi thấy một nhánh hạnh nhân trong một khải tượng. Đức Chúa Trời dùng cách chơi chữ trong tiếng Do Thái, vì từ “hạnh” cũng là gốc của từ này để chỉ “siêng năng và chăm chỉ” từ này cũng chính là từ “tỉnh thức”, bởi vì cây ra hoa và kết trái trước bất kỳ cây nào khác - vào giữa mùa đông.

Và như trong Giê-rê-mi 1:12 có chép “Ngươi thấy phải đó; ta sẽ tỉnh thức, giữ lời phán ta đặng làm trọn.” Cây hạnh ẩn dụ cho sự tỉnh thức của Chúa và nó được dùng trên cây đèn được “thắp sáng luôn luôn” thì càng có ý nghĩa.  Đức Chúa Trời bảo đảm với Giê-rê-mi rằng Ngài đang tỉnh thức siêng năng xem xét lời của mình để thực hiện nó. Vì vậy hoa hạnh nhân là biểu tượng cho quyết tâm của Đức Chúa Trời trong việc thực hiện các kế hoạch của ngài. 

Trong Xa-cha-ri 4:2-3 có chép “Tôi nhìn xem, kìa MỘT CÁI CHÂN ĐÈN BẰNG VÀNG cả, và một cái chậu trên chót nó, NÓ CÓ BẢY NGỌN ĐÈN; có bảy cái ống cho mỗi ngọn đèn ở trên chót nó. Ở kề bên LẠI CÓ HAI NHÁNH Ô-LI-VE, một cây ở bên hữu cái chậu, và một cây ở bên tả.”. Chúng ta nhìn thấy nhà tiên tri đã bối rối trước khải tượng về một Menorah với hai cây ô liu ở hai bên, cung cấp dầu cho đèn. Nếu chúng ta xem trong Rô-ma 11 thì chúng ta sẽ thấy Phao-lô đã mô tả người Do Thái và dân ngoại là hai cây ô-liu; “Nếu chính ngươi đã bị cắt khỏi cây ô-li-ve hoang thuận tánh mình, mà được tháp vào cây ô-li-ve tốt nghịch tánh, thì huống chi những kẻ ấy là nhánh nguyên sẽ được tháp vào chính cây ô-li-ve mình!” (Rô-ma 11:24) .Cây dân ngoại hoang dã được ghép vào cây Do Thái trồng, thông qua Chúa Jesus và cả hai đã trở thành một trong Chúa.

Các vật dụng trong đền tạm trong sa mạc nói về những gì sẽ xảy ra trong Giao Ước Mới với Đấng Mê-si. Người Do Thái và dân ngoại được kêu gọi gắn cùng với nhau. Qua Chúa Jesus mà mọi người được thanh tẩy và trong sạch trước mặt Đức Chúa Trời để ở với Ngài. Thật là một biểu tượng quyền năng và giàu có Lời của Chúa được nói qua Menorah do chính Ngài thiết kế. Thật tuyệt vời biết bao khi được đưa vào Giao ước Mới, và chúng ta có thể thấy sự ứng nghiệm nơi Chúa Jesus, Đấng mà Menorah đã chỉ cho.

Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam.



bottom of page