top of page
Tìm kiếm

CÁC TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI DO THÁI KHI GIỮ LỄ VƯỢT QUA RẤT Ý NGHĨA MÀ CHÚNG TA NÊN BIẾT.



Lễ Vượt Qua hằng năm là kỳ lễ quan trọng nhất đối với người Do Thái, cách thức làm lễ vượt qua nguyên thuỷ nhất được dạy lại bởi Đức Chúa Trời và điều này được chép trong sách Xuất ê díp tô ký 12. Theo đó Chúa dạy dân sự bắt chiên con vào ngày 10 tháng giêng, giết chiên con vào lối chiều tối ngày 14 tháng giêng. “ Họ sẽ lấy huyết đem bôi trên hai cây cột và mày cửa của nhà nào ăn thịt chiên con đó. Đêm ấy họ sẽ ăn thịt chiên quay với bánh không men và rau đắng. … Vậy, ăn thịt đó, phải như vầy: Dây lưng cột, chân mang giày, tay cầm gậy, ăn hối hả; ấy là lễ Vượt-qua của Đức Giê-hô-va” Xuất ê-díp tô ký 12: 7-11.


Sau kỳ lễ vượt qua đầu tiên đó, người Do Thái tại các thời kỳ cũng có các cách thức dự tiệc Vượt Qua khác nhau nhưng vẫn dựa trên nền tảng của Lễ Vượt Qua đầu. Các phần thức ăn trong một bữa tiệc Vượt Qua vẫn là bánh không men, thịt cừu nướng và rau đắng.


Một điều đáng chú ý trong kỳ Lễ Vượt Qua đó chính là vào trước lễ, người Do Thái sẽ dọn sạch men (các loại men làm bánh…) ra khỏi nhà bằng cách chôn hoặc đốt đi. Trong bảy ngày họ sẽ không ăn bất cứ thực phẩm gì có men vì lời Chúa dạy trong Xuất 12:19 “Trong bảy ngày không nên còn thấy men tại nhà các ngươi; vì bất luận người ngoại bang hay là người bổn xứ, hễ ai ăn bánh có men sẽ bị truất khỏi hội chúng Y-sơ-ra-ên.”

Trọng tâm trong Lễ Vượt qua theo Do Thái giáo là Chiên Con được dâng lên, của tế lễ Vượt qua này trong tiếng Do Thái đượ gọi là korban Pesach. Sau đó thịt cừu được ăn trong Lễ Vượt qua Seder vào ngày 15 của Nisan.Chiên con của lễ vượt qua phải là chiên đực không tì vết. Theo luật chỉ tại nơi chí thánh mới được giết chiên con cũng như dâng huyết với mỡ nó (Phục truyền16:2). Sau khi Giê-ru-sa-lem bị phá huỷ vào năm 70 SC thì người Do Thái không còn dâng của lễ này nữa.



Trong kỳ lễ vượt qua cho đến ngày nay người ta vẫn giữ tục lệ ăn bánh không men trong 7 ngày, có những nơi giữ điều này trong 8 ngày. Người ta giữ điều này vì tin rằng những gì không có men thì gần với trạng thái ban đầu của Đức Chúa Trời nhất. Ngày nay nguời ta tin men cũng tượng trưng cho tội lỗi vì vậy Chúa không muốn mọi người dùng trong kỳ lễ này. Một biểu tượng của ngày lễ Vượt qua là matzo , một loại bánh mì dẹt không men chỉ được làm từ bột mì và nước, được làm liên tục từ quá trình trộn qua nướng để không cho bột nổi lên. Matzo có thể được làm bằng máy hoặc bằng tay. Matzo còn được gọi là Lechem Oni (tiếng Do Thái: "bánh mì của sự nghèo đói"). Matzo như là một biểu tượng để nhắc nhở người Do Thái cảm thấy như thế nào khi trở thành một nô lệ nghèo và đề cao sự khiêm tốn, đánh giá cao sự tự do, và tránh thổi phồng bản thân mình lên.

Ngày nay, người ta thường dự lễ vượt qua với một đĩa thức ăn gọi là Seder. Mỗi món trong số sáu món được sắp xếp trên đĩa đều có ý nghĩa đặc biệt đối với việc kể lại câu chuyện Lễ Vượt Qua - cuộc di cư khỏi Ai Cập - chính là trọng tâm của bữa ăn nghi lễ này. Một đĩa Seder thích hợp bao gồm 6 món sau :


1. Maror (rau đắng) tượng trưng cho sự cay đắng của chế độ nô lệ ở Ai Cập như trong Kinh Thánh chép “Người Ê-díp-tô bèn đem lòng ghen ghét dân Y-sơ-ra-ên, bắt làm công việc nhọc nhằn, gây cho đời dân ấy NÊN CAY ĐẮNG, vì nỗi khổ sở nhồi đất, làm gạch và mọi việc khác ở ngoài đồng.”( Xuất Ê-díp-tô Ký 1: 12-14).


2. Charoset đây là hỗn hợp các món trộn lẫn với nhau nhằm nhớ đến thời kỳ họ phải làm gạch để xây dựng tại Ai-cập. Charoset theo truyền thống được làm từ các loại hạt cắt nhỏ, táo mài, quế và rượu vang đỏ ngọt.


3. Karpas - Một loại rau không phải là rau đắng đại diện cho hy vọng và sự đổi mới, được nhúng vào nước muối ở đầu Seder. Nước chấm, có thể nước muối được dùng để nhúng bánh không men hay chấm. Nước muối tượng trưng cho nước mắt của dân Y-sơ-ra-ên khi họ bị bắt làm nô lệ. Chúng ta có thể thấy Chúa Jesus cũng dự theo cách thức này bằng cách nhúng bánh và điều này được chép trong Giăng 13:26 và Ma-thi-ơ 26:23. Việc nhúng này tượng trưng cho việc nhúng chùm kinh giới vào huyết để bôi lên mày cửa trong dịp lễ vượt qua hay chiếc áo của Giô-sép bị các anh mình nhúng trong huyết.


4. Zeroah - Còn được phiên âm là Z'roa ,đây là thành phần thịt duy nhất trên Đĩa Seder, tượng trưng cho Korban Pesach (tế lễ Vượt qua). Đây có thể là thịt cừu nướng hoặc xương ống nướng. Điều này tượng trung cho chiên con bị giết, và ăn theo như lời dặn của Chúa.


5. Beitzah - Một quả trứng nướng, tượng trưng cho korban chagigah (của tế lễ) được dâng lên tại Đền thờ ở Jerusalem. Trứng cũng tượng trưng cho vòng tròn của sự sống, sinh sản…


6. Món ăn cuối cùng trên đĩa Seder là 3 tấm bánh Matzo (bánh không men) được xếp chồng lên nhau. Ý nghĩa của nó như được nhắc ở trên nhớ đến lúc còn làm nô lệ nhắc nhở về sự khiêm tốn.


Ngoài ra trong bữa tiệc Lễ Vượt Qua không thể thiếu 4 chén nước nho. Mỗi chiếc cốc được kết nối với một phần khác nhau: Người Do Thái sẽ đọc lời chúc lành trên rươu nho và uống chiếc cốc đầu tiên. Người Do Thái sẽ kể về câu chuyện xuất hành và uống chiếc cốc thứ hai, sau khi cầu nguyện chúc lành cho thức ăn thì họ sẽ uống chiếc cốc thứ ba. Cuối cùng thì họ sẽ chúc tụng Chúa qua các thi thiên và uống chiếc cốc thứ tư được gọi là chén Hallel (Ha-lê-lu-gia).



Trong Ngũ Kinh của Môi se không chép về vệc dùng rượu nho trong lễ Vượt Qua nhưng trong sách Mishna của người Do Thái (Pes. 10: 1) có dạy cách cẩn thận về việc phải dùng ít nhất là 4 chén cho bữa ăn của lễ Vượt Qua, sách nhất mạnh dầu người nghèo nhất cũng cần chuẩn bị. Khi Chúa Jesus ban tiệc thánh trong bữa ăn của Lễ Vượt Qua thì Kinh Thánh cho thấy có hai cái chén được dùng và ghi lại ở đây (Lu ca 22:17;20). “Cái chén phước lành” trong I Cô-rinh-tô 10:16; có một số người tin rằng đây chén thứ 3 trong 4 chén vì trước chén này chúc phước và sau chéncó lời tạ ơn. Nhưng khi so sánh với Lu ca 22:20 (nguyên văn Hy Lạp: “sau bữa ăn tối”) cùng với kinh Talmud thì có lẽ “chén phước lành” là chén thứ 4 vì tên chén đó là chén “Ha-le-lu-gia viết tắt là Hallel”


Một phong tục nữa là vào ngày 16 tháng Nisan thì người ta sẽ dâng bó lúa đầu mùa cho Chúa để kỷ niệm những trái đầu mùa của mùa thu hoạch. Kinh Thánh trong Phục 16:1 có nói tháng giữ lễ vượt qua cũng chính là tháng mùa lúa trỗ. Cũng từ ngày 16 người ta bắt đầu đếm Omer ( tiếng Do Thái : סְפִירַת הָעוֹמֶר , Sefirat HaOmer) người ta sẽ đếm tiếp 49 ngày sau đó sẽ đến ngày Lễ các tuần lễ (lễ Đức Thánh Linh giáng lâm) vào ngày thứ 50.


Nguyện xin Chúa ở cùng quý anh chị em trong một kỳ lễ thương khó vượt qua phước hạnh.


Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam.


Kommentare


bottom of page