NGÀY THỨ 40 SAU KHI CHÚA PHỤC SINH – NGÀY CHÚA JESUS VỀ TRỜI.
top of page
Tìm kiếm

NGÀY THỨ 40 SAU KHI CHÚA PHỤC SINH – NGÀY CHÚA JESUS VỀ TRỜI.



Hôm nay là ngày thứ 40 sau khi Chúa Jesus sống lại, theo ký thuật trong sách Công Vụ, thì việc Chúa thăng thiên xảy ra 40 ngày sau lễ Phục Sinh (Công vụ 1:3). Vì Chúa phục sinh vào ngày Chúa Nhật nên lễ Thăng Thiên diễn ra vào ngày thứ Năm. Tuy nhiên, tại nhiều nhà thờ để thuận tiện cho sự thờ phượng Chúa, lễ Thăng Thiên được tổ chức vào Chúa Nhật, do đó lễ này được kỷ niệm vào 43 ngày sau lễ Phục Sinh.


Theo Thánh Kinh, sau khi Chúa Giê-xu sống lại, Ngài đã hiện ra cho nhiều người xem thấy và nhiều lần đến gặp các môn đồ. Có lần Chúa gặp hơn năm trăm người cùng một lúc (I Cô-rinh-tô 15:6). Một thời gian sau, Chúa dẫn các môn đồ đến Bê-tha-ni, một làng nhỏ thuộc ngoại thành Giê-ru-sa-lem (Lu-ca 24:50-53). Tại đó Chúa căn dặn các môn đồ những điều họ cần phải làm, Chúa chúc phước cho họ, rồi Ngài được cất lên trời. Các môn đồ ngước mắt nhìn xem Chúa cho đến khi Ngài khuất trong mây. Trong khi các môn đồ đang sững sờ nhìn lên trời, có hai thiên thần xuất hiện nói với họ rằng: Đừng ngạc nhiên! Chúa đã về trời như thế nào Ngài cũng sẽ trở lại như vậy (Công Vụ 1:4-8).


Mặc dầu ký thuật về lễ Thăng Thiên rất ngắn, nhưng Thánh Kinh nhiều lần nhắc về việc Chúa Giê-xu về trời. Lúc Chúa còn sống, Ngài báo cho các môn đồ biết rằng Ngài sẽ chết, sẽ sống lại và Ngài sẽ về trời (Giăng 12:32-33; 14:12,28; 16:5, 10, 17, 28; 20:17). Phúc Âm Lu-ca cho biết việc Chúa đến Giê-ru-sa-lem để chịu thương khó nằm trong chương trình Chúa chuẩn bị về trời (Lu-ca 9:51).



Không phải Chúa Giê-xu chỉ báo trước việc Ngài sẽ về trời cho các môn đồ, nhưng những người chống đối Chúa vào lúc đó cũng biết nữa. Người Pha-ri-si đã chuẩn bị kế hoạch bắt Chúa vì họ nghe Chúa nói với các môn đồ rằng: “Ta còn ở với các ngươi ít lâu nữa, rồi Ta trở về với Đấng đã sai Ta” (Giăng 7:33). Do đó, họ gấp rút thực hiện kế hoạch hãm hại Ngài.

Sau khi Chúa Giê-xu về trời, Ngài ngồi bên hữu Đức Chúa Trời (Cô-lô-se 3:1-2), đồng cai trị với Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 1:20-23) và cầu thay cho những người tin nhận Ngài (Rô-ma 8:34, Hê-bơ-rơ 4:14-16).


Việc Đức Chúa Giê-xu về trời, ngồi bên cạnh Đức Chúa Trời được các sứ đồ và Hội Thánh Ban Đầu ghi nhận. Sứ đồ Phi-e-rơ trong bài giảng đầu tiên, khi giải thích về việc Đức Thánh Linh giáng lâm, đã nhắc lại rằng Đức Chúa Giê-xu đã chết, đã sống lại, đã về trời ngồi bên hữu Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng ban Đức Thánh Linh cho hội thánh như các tín hữu đang chứng kiến (Công 2:30-33). Tương tự, Sứ đồ Phao-lô cho biết Chúa Giê-xu là Đấng, sau khi trở về trời, đã ban những ân tứ khác nhau cho các tín hữu trong hội thánh (Ê-phê-sô 4:8-10). Trong bức thư gởi cho Ti-mô-thê, Sứ đồ Phao Lô đã trích lại một bài thánh ca của Hội Thánh Ban Đầu trong đó có nhắc đến việc Đức Chúa Giê-xu về trời (I Ti-mô-thê 3:16).


Trong những thế kỷ sau, tín lý về sự thăng thiên của Chúa Giê-xu được ghi nhận trong bản Tín Điều Các Sứ Đồ, bản Tín Điều Nice (325) và Tín Điều Westminster (1646).


Chúa Jesus thăng thiên là một sự kiện rất quan trọng vì Chúa đi để sắm sẵn cho chúng ta một chỗ ( Giăng 14:2-3 ) và nếu Chúa không đi thì Đấng Yên Ủi hay Chúa Thánh Linh sẽ không đến ( Giăng 16:7 ).


Chúa Jesus thăng thiên cũng mở cho chúng ta một con đường. Kinh Thánh có nói "Ngài đã lên nơi cao dẫn theo muôn vàn phu tù và ban ơn cho tất cả mọi người..." ( Ê-phê-sô 4:8-10 ).


Sẽ không có nghĩa gì nếu Chúa chết đi, sống lại nhưng không thăng thiên về trời được. Chúa chết chúng ta được tha tội, Chúa sống lại để chúng ta được sống và Chúa thăng thiên về với Cha để chúng ta cũng sẽ được cất lên trong những ngày sau cuối.


Ngày nay, tại Do Thái, Nhà nguyện Chúa Lên Trời (tiếng Hebrew: קפלת העלייה‎, tiếng Hy Lạp: Εκκλησάκι της Αναλήψεως) là một nơi linh thiêng tôn giáo trên Núi Olives. Nhà nguyện này là một phần của một công trình xây dựng phức hợp lớn hơn, ban đầu bao gồm một nhà thờ và một tu viện Kitô giáo, sau đó là một thánh đường Hồi giáo, nằm trên một địa điểm mà theo truyền thống được tin là nơi chúa Jesus đã tập họp các tông đồ trước khi Chúa lên trời 40 ngày sau khi Ngài sống lại. Nhà nguyện này chứa một phiến đá được cho là có một trong những dấu bàn chân của Chúa Giêsu.



Điện thờ chính hình bát giác bao quanh phiến "đá thăng thiên", được cho là có dấu bàn chân bên phải của Chúa Giêsu, phần mang dấu bàn chân bên trái đã được đưa đến nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa (Jerusalem) trong thời Trung cổ. Các tín hữu tin rằng dấu bàn chân là do Chúa Giêsu đứng khi lên trời và được tôn kính như là điểm cuối cùng trên trái đất mà Chúa Chúa Jesus nhập thể đã dẵm lên.


Trước khi Đức Chúa Giê-xu về trời, Ngài đã truyền cho các môn đồ một trách nhiệm quan trọng. Trách nhiệm đó là phải rao truyền Tin Lành về sự cứu rỗi của Chúa cho mọi người khắp nơi trên thế giới. Những người tin Chúa gọi trách nhiệm này là Đại Mạng Lệnh.


Trong suốt 20 thế kỷ qua, vâng theo mạng lệnh này, người tin Chúa đã cố gắng đi đến mọi quốc gia, mọi dân tộc để trình bày tình yêu và sự cứu rỗi Đức Chúa Giê-xu cho mọi người.


Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam



bottom of page