Ngôi làng che giấu hàng ngàn người Do Thái.
top of page
Tìm kiếm

Ngôi làng che giấu hàng ngàn người Do Thái.

Trên một cao nguyên lộng gió ở tỉnh Haute-Loire của Pháp có một ngôi làng chứa vô vàn những bí mật.

Nhờ vào chiến dịch kháng cự phi bạo lực phi thường trong Đệ nhị Thế chiến, người dân làng Le Chambon-sur-Lignon đã cứu được hàng ngàn người Do Thái khỏi bị trục xuất và thoát được cái chết gần như không tránh khỏi.

Ngày nay, một viện bảo tàng đồng thời là đài tưởng niệm là chứng nhân của sự can đảm của dân làng trong thời chiến mặc dù nhiều câu chuyện của họ có thể sẽ không bao giờ được biết.

Hẻo lánh và cách biệt

Làng Chambon nằm cách thành phố Lyon 88km về phía tây nam, giữa những khu rừng và đồng cỏ của cao nguyên Vivarais-Lignon.

Đối với nhiều du khách đến miền trung nước Pháp thì làng Chambon không được xem là một địa điểm nhất định phải ghé.

Nằm cách đó 40 km về hướng tây là Le Puy-en-Velay, một hòn ngọc của vùng Auvergne nơi những cột đá núi lửa sừng sững giữa bầu trời.

Khoảng 20km về phía đông bắc là điểm đến ẩm thực mới nổi Saint-Bonnet-le-Froid, quê nhà của đầu bếp ba sao Michelin Régis Marcon.

Về phía bắc và phía nam là hai khu rừng địa phương tuyệt đẹp: Régional du Pilat và Monts d'Ardѐche.

Được bao quanh bởi quá nhiều sự kỳ vĩ như thế, không khó nhận ra vì sao mà làng Chambon, ngày nay có dân số 2.500, đôi khi bị du khách bỏ qua.

Tuy nhiên vị trí tách biệt của ngôi làng đã giúp ích cho nó rất nhiều. Do không có đường đi vào mà nó đã trở thành một nơi trú ẩn của người Huguenots, tức là những người Pháp theo đạo Tin Lành phải chạy trốn sự truy bức tôn giáo vào Thế kỷ 17 ở Pháp.

Khu vực này cho đến nay vẫn còn được gọi là 'La Montagne Protestante' (Núi của người Tin Lành).

Sau đó, trong Đệ nhị Thế chiến, khi 80.000 người Do Thái bị trục xuất khỏi nước Pháp và bị đưa đến các trại tập trung, vị trí địa lý của ngôi làng khiến nó có thể cứu mạng của hơn 3.000 dân tỵ nạn Do Thái bằng cách che giấu họ ở trong và xung quanh làng.

"Nói điều này thì không hề làm giảm nhẹ tinh thần dũng cảm và sự đàng hoàng của người dân địa phương, vốn đã đánh liều mạng sống của họ để che giấu những người xa lạ, nhưng không nghi ngờ gì về việc vị trí địa lý của ngôi làng là một nhân tố lớn," ông Peter Grose, người thuật lại câu chuyện của ngôi làng trong cuốn sách của ông có tựa đề 'A Good Place To Hide'. "Nó hoàn toàn nằm cách biệt và được bao quanh là những khu rừng và cách đó là những ngôi làng xa và thưa thớt. Còn nơi nào tốt hơn để che giấu người chạy trốn?"

Giáo dục thế hệ trẻ

Từ Chambon, nhiều người tị nạn đã được đưa lậu vượt qua các dãy núi để vào Thụy Sỹ, nơi họ sẽ được gặp những người phản kháng khác trong mạng lưới gắn kết chặt chẽ của người Tin Lành.

Phong trào phản kháng mau chóng phát triển ra ngoài phạm vi các nhóm Tin Lành - không chỉ ở Chambon mà còn ở những làng lân cận như Tence và Fay-sur-Lignon - và thậm chí còn chiêu mộ được những cảnh sát được chính quyền Vichy giao nhiệm vụ truy tìm người Do Thái ở Chambon.

Không có bất kỳ ai ở ngôi làng này từng tiết lộ bí mật bất chấp những rủi ro: bị trừng phạt vì tội giúp đỡ người Do Thái trốn thoát cái chết hay bị trục xuất. Người anh em họ của mục sư Trocmé, ông Daniel Trocmé, bản thân cũng là thành viên phong trào phản kháng, đã bị đưa đến trại tập trung Majdanek vào năm 1943 nơi ông bị sát hại sau đó.

Ghép nối lại câu chuyện lịch sử của Chambon lại là một thách thức gây choáng ngợp.

"Trước hết chúng tôi gặp vấn đề về số lượng các nhân chứng," Aziza Gril-Mariotte, người thiết kế trải nghiệm của bảo tàng cùng với một nhóm vẽ phối cảnh, giải thích. "Đếm số người chào đón dân tị nạn, những người cứu giúp và những người được cứu giúp… tại sao phải ưu tiên người này trên người khác, tại sao không bảo tồn tất cả mọi thứ?"

Đối với Gril-Mariotte, Nơi Tưởng nhớ còn có trách nhiệm phải giáo dục - và thông điệp của nó vẫn còn vang vọng cho đến ngày nay.

"Nó có sứ mạng phải truyền đạt đến thế hệ trẻ, những người chắc chắn sẽ nhận thấy sự tương đồng với những gì đang xảy ra hiện này trong cuộc khủng hoảng di dân," Gril-Mariotte nói.

Người dân khiêm nhường

Ngoài Nơi Tưởng nhớ, Chambon còn có một bầu không khí ẩn dật và yên ả.

Tương phản với quá nhiều ngôi làng Pháp có cấu trúc như mê cung, Chambon có một quang cảnh trật tự với những ngôi nhà bằng đá có mái ngói điểm xuyết dọc theo con đường chính.

Từ bất cứ hướng nào hình ảnh của khu rừng cũng hiển hiện.

Cách đó mười cây số về phía tây nam ở Les Vastres là nơi bắt đầu của những tảng đá dựng và những mộ đá có niên đại từ thời tiền sử.

Du khách ngược xuôi trên circuit découverte (đường mòn khám phá) kết nối những tảng đá cổ này có thể trải nghiệm được cảnh quan hoang sơ và sự tĩnh lặng vô cùng của vùng Haute-Loire và sự kỳ thú của cảnh quan trong việc che giấu vốn đóng vai trò hết sức quan trọng trong thời chiến.

Ngôi làng cũng lưu giữ những dấu vết khác của lịch sử Đệ nhị Thế chiến: đối diện với Nơi Tưởng nhớ là Nhà thờ Tin Lành rộng được xây bằng đá granite vào năm 1821 trên đống đổ nát của một thánh đường trước đó vốn đã bị cháy thành tro.

Một dòng chữ phù hợp với tính chất của ngôi làng trú ẩn ở lối vào viết: 'Aimez-vous les uns les autres', có nghĩa là 'hãy yêu thương lẫn nhau', hay 'hãy yêu thương tha nhân như chính bản thân mình'.

Một tấm bảng được khánh thành vào năm 1979 để tưởng nhớ sự dũng cảm của những người Tin Lành, vốn được nhìn nhận là trụ cột của phong trào kháng chiến ở làng Chambon.

Mặc dù làng Chambon có số người được tôn vinh nhiều đến kinh ngạc, cư dân của Chambon vẫn khiêm nhường, thậm chí không hề hé răng, về phong trào kháng cự của họ trong Chiến tranh Thế giới.

Ông Grose, người đã phỏng vấn các cư dân Chambon cho cuốn sách của ông, giải thích: "Cũng giống như các cộng đồng nông dân trên khắp thế giới, họ không phải là những người nói nhiều. Họ có xu hướng hỏi bạn rằng tất cả mọi sự ồn ào này là cái gì vậy?"

Nhưng theo thời gian, những câu chuyện về những người anh hùng trong đời thường ở làng đã được phát sóng.

Ngày nay, từng đoàn xe buýt chở học sinh từ khắp nơi trên nước Pháp đến đây để tìm hiểu về lịch sử Chambon. Hình ảnh người nước ngoài lững thững trong làng không còn là cảnh hiếm gặp. Nơi Tưởng nhớ đã ghi nhận có 11.280 du khách đến thăm trong năm 2017 - tăng đều đặn kể từ khi nó mở cửa vào năm 2013.

Đối với bà Eliane Wauquiez-Motte, người đứng đầu ở Chambon, cách trình bày đơn giản ở Nơi Tưởng nhớ thể hiện rất rõ sự khiêm nhường của người dân ở đây.

"Chúng tôi cố gắng tạo ra một bảo tàng phù hợp với tính khiêm tốn của người dân và với mong muốn của họ muốn truyền đạt lịch sử không phải bằng một cách tự hào mà là kín đáo," bà giải thích.

"Kể lại câu chuyện này và giúp cho thế hệ trẻ thấy được rằng cho dù bất cứ điều gì xảy ra, bất cứ trong hoàn cảnh lịch sử nào chúng vẫn có thể sống thật với lòng mình."

bottom of page