Núi Si-ôn – Nơi Chúa trở lại cùng các Thánh đồ trong thế giới tương lai
top of page
Tìm kiếm

Núi Si-ôn – Nơi Chúa trở lại cùng các Thánh đồ trong thế giới tương lai

Đã cập nhật: 27 thg 2, 2021


Núi Si-ôn nhìn từ xa là nhà thờ Dormition. Bên cạnh là tường thành Giê-ru-sa-lem

Núi Zion ( tiếng Do Thái : הַר צִיּוֹן) tên này với nhiều phiên âm khác nhau như Sion , Tzion, Tsion , Tsiyyon. Thuật ngữ Tzion dùng để chỉ đến pháo đài hay thành phố của Đa vít nhưng theo Kinh Thánh thì tên này còn được sử dụng như là từ đồng nghĩa với tên Giê-ru-sa-lem, được sử dụng như là tên của toàn bộ vùng đất Israel và “thế giới sẽ đến” theo như cách nghĩ của người Do Thái. Vì Si-ôn được dùng như là toàn bộ vùng đất Israel nên vào năm 1890 người ta đã dùng thuật ngữ “phong trào Zionism” như là phong trào phục quốc và trở lại đất nước Do Thái. Năm 1948 những người thuộc phong trào Zionist đã tuyên bố thành lập Nhà nước Israel. Ngày nay, dòng cuối cùng của bài quốc ca Israel Hatikvah “Hy Vọng” có dòng chữ là ".... Eretz Zion, ViYerushalayim", nghĩa là "Vùng đất của Zion và Jerusalem".

Trở lại với Kinh Thánh thuật ngữ Si-ôn lần đầu tiên được nhắc đến như là “đồn Si ôn”, và “..Đa-vít hãm lấy đồn Si-ôn: ấy là thành Đa-vít.” (II Sa-mu-ên 5: 7; I Sử-ký 11: 5; 1 Các Vua 8: 1; 2 Sử-ký 5: 2 ). Theo như phần Kinh Thánh phía trên, vua Đa vít đã chiếm lấy một pháo đài của dân Giê-bu-sít nằm trên núi Si-ôn gọi là “đồn si-ôn” dựng nên Thành Đa-vít. Núi Si-ôn là một trong nhiều ngọn đồi hình thành nên Jerusalem, phía nam của Núi Si-ôn là Núi Moriah (Núi Đền), phía đông Núi Ô-liu., v.v ...

Ban đầu núi Si-ôn nằm bên trong thành cổ Giê-ru-sa-lem nhưng qua nhiều thế kỷ xây dựng, thời Ottoman, các bức tường thành của Jerusalem vì được xây dựng lại nhiều lần mà Núi Zion không còn nằm trong tường thành nữa. Ngày nay, núi Si-ôn nằm ở ngọn đồi phía tây của Giê-ru-sa-lem cổ đại, phía nam khu phố cổ Armenia, núi nằm ngay bên ngoài của bức tường Thành Cổ tạo thành ranh giới phía nam của Khu Do Thái của Thành phố Cổ hiện tại. Trong thời Cựu Ước tên gọi này được dùng như là ẩn dụ cho thành phố Giê-ru-sa-lem và toàn bộ vùng Đất Thánh. Khi bị lưu đày, người Do Thái nhắc đến Si-ôn như là vùng đất quê hương mà họ muốn trở lại. Người Do Thái cũng tin rằng vào thời kỳ cuối Đấng Mê-sia trở lại cai tri tại đây như trong Thi Thiên 48:2 có chép “Núi Si-ôn đẹp đẽ nổi lên về phía bắc, là kinh đô của Vua cao cả, Và là sự vui vẻ của cả thế gian.” Trong thời Tân Ước nơi này cũng là nơi diễn ra nhiều những sự kiện quan trọng của Hội Thánh lúc ban đầu như : • Núi Si ôn là nơi Chúa làm Tiệc Thánh và cũng chính là nơi Đức Thánh Linh Giáng Lâm trong ngày lễ Ngũ Tuần. Ngày nay vẫn còn giữ lại căn phòng nơi Chúa làm Tiệc Thánh và nơi Đức Thánh Linh Giáng Lâm. • Người công giáo cũng cho rằng bà Ma-ria qua đời tại núi Si-ôn và mộ của bà hiện đang nằm tại nhà thờ Dormition trên núi Si-ôn. • Núi này còn có thể là của thầy tế lễ thượng phẩm Cai-phe, nhà này là nơi Chúa Giê-xu bị giam một đêm trong giếng khô và sau đó bị đưa ra trước thầy tế lễ thượng phẩm Cai-phe. Chỗ này cũng là nơi Phi-e-rơ chối Chúa 3 lần, chính vì vậy mà ngày nay có nhà thờ mang tên nhà thờ Phi-e-rơ chối Chúa chính ở địa điểm này. • Đây là cũng là nơi diễn ra Giáo Hội Nghị đầu tiên hay còn gọi là Cộng đồng Giê-ru-sa-lem đầu tiên. Giáo Hội Nghị này diễn ra vào khoảng năm 50 sau Công nguyên, để nói về những người ngoại giáo trở lại tin Chúa cần làm những gì được chép trong Công vụ 15: 1-29. …… Vào thời của Chúa Giê-xu, Núi Si-ôn là một khu phố giàu có, dân cư đông đúc và được bao bọc trong các bức tường thành. Tại đây có cộng đồng người Essene, là nhóm người sống theo cách giải thích nghiêm ngặt Luật pháp Môi-se. Họ được biết đến nhiều hơn nhờ cộng đồng của họ tại Qumran, nơi phát hiện ra các Cuộn Biển Chết. Những người theo đạo Cơ đốc vào thế kỷ thứ nhất đã xây dựng tại trên núi Si-ôn một giáo đường Do Thái-Cơ đốc giáo to lớn nhà thờ được gọi là Thánh Đường của các Sứ đồ và một thánh đường khác mang tên Thánh Đường Hagia Sion (Holy Zion) đây là một Vương cung thánh đường theo phong cách Byzantine, nhà thờ này được gọi là “Mẹ của tất cả các Nhà thờ” Các nhà thờ này liên tiếp bị phá hủy, ngày nay khu vực này được bao phủ bởi Nhà thờ Dormition, Cenacle và Lăng mộ David. Kinh Thánh trong I Các Vua 2:10 có ghi lại rằng” Đa-vít an giấc với các tổ phụ mình, và được chôn trong thành Đa-vít.” Thành Đa-vít vốn ở trên núi Si-ôn chính vì vậy mà những người hành hương Cơ đốc giáo vào thế kỷ thứ 10 đã tin rằng nơi chôn cất của David cũng ở đó. Lăng mộ Đa-vít được xây dựng trên núi Zi-ôn từ những bức tường của người Do Thái thời xưa, tại nơi mà người ta tin Đa-vít được chôn tại đó. Nơi tưởng niệm này đã được chấp nhận là lăng mộ của David, đầu tiên là bởi người Do Thái và sau đó là người Hồi giáo.


Mộ Vua Đa-vít

Người Hồi Giáo cũng rất tôn trọng vua Đa-vít, chính vì vậy có một truyền thuyết cho rằng, vào thế kỷ 16, khi người ta xây dựng lại bức tường thành, vì bức tường thành mới không bao quanh núi Si-ôn nên mộ vua Đa-vít không được nằm trong thành phố. Bởi điều đó mà người Hồi Giáo đã ra lệnh chặt đầu hai kiến trúc sư. Ngày nay hai ngôi mộ ở sân trong của Cổng Jaffa được cho là của các kiến trúc sư bị chặt đầu ngày xưa. Ngoài ra trên Núi Zion nằm trong một nghĩa trang Công giáo gần Cổng Zion là mộ của Oskar Schindler một người Đức đã cứu gần 1200 người Do Thái trong cuộc tàn sát và được công nhận là “Dân ngoại Công Chính”. Kinh Thánh trong sách Khải Huyền 14:1 có chép về thời kỳ cuối cùng sứ đồ Giăng đã “..nhìn xem, thấy Chiên Con đứng trên núi Si ôn, và với Ngài có mười bốn vạn bốn ngàn người đều có danh Chiên Con và danh Cha Chiên Con ghi trên trán mình.” Chính bởi điều đó núi này là nơi có ý nghĩa quan trọng trong thuộc linh cũng như trong tương lai. Nguyện xin “.. Đức Giê-hô-va từ Si-ôn ban phước cho ngươi; Nguyện trọn đời mình ngươi được thấy sự phước lành của Giê-ru-sa-lem.” Thi Thiên 128:5.

Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam https://www.mucvudothai.org/


bottom of page