Để hiểu hơn về các kỳ lễ trong Kinh Thánh, các sự kiện diễn ra trong Kinh Thánh thì cần thiết chúng ta tìm hiểu một chút về lịch Do Thái. Dưới đây là một số điều đặc biệt của Lịch Do Thái ( Jewish Calender ).
Người Do Thái ngày nay hiện đang dùng cả 3 loại lịch, dương lịch ( lịch Gregorian ) lịch dân dụng ( Civil Calender ) sử dụng cho cuộc sống thường ngày và lịch Do Thái ( Jewish Calender ) dựa trên các ngày lễ của người Do Thái và dùng để tính các ngày lễ đó. Theo đó lịch Do Thái ( Jewish Calender ) không gọi theo số tháng mà gọi bằng tên gọi cho tháng, lịch Do Thái này trễ hơn lịch dân dụng 7 tháng.
Hôm nay, khi viết bài này theo lịch Do Thái ( Jewish Calender ) là tháng Elut, trong lịch dân dụng ( Civil Calender ) là tháng 12 và theo dương lịch ( lịch Gregorian ) chính là tháng 9.
LỊCH DO THÁI LÀ BẮT ĐẦU TỪ CHÚA VÀ LÀ MỘT ĐIỀU RĂN ĐẦU TIÊN
Đối với người Do Thái thì lịch Do Thái ( Jewish Calender ) được sử dụng thường xuyên và chính thức vì cuộc sống của người Do Thái dựa trên căn bản của niềm tin tôn giáo. Lịch Do Thái bắt đầu được Chúa ban cho dân tộc Do Thái đúng 2 tuần trước khi họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô như trong Xuất Ê Díp Tô Ký 12:2 có chép “Tháng nầy định làm tháng đầu cho các ngươi, tức là tháng giêng trong quanh năm.” Đây chính là điều răn đầu tiên mà Đức Chúa Trời ban cho Môi se để truyền dạy cho dân tộc Do Thái.
CÓ 4 TÊN THÁNG ĐƯỢC GỌI TRONG KINH THÁNH.
Lịch Do Thái có 12 tháng đều được gọi theo tên khác nhau, trong đó có 4 tháng có tên được tìm thấy tên trong Kinh Thánh là
1. “Tháng giêng ( tháng thứ một ) là tháng Ni-san (Aviv ) ” Ê-sơ-tê 3:7 trong Kinh Thánh cũng gọi tháng này là “ tháng mùa lúa trổ” Xuất 13:14. Theo nghĩa đen thì tháng Aviv có nghĩa là “mùa xuân” vì là tháng đầu năm là mùa xuân trong năm.
2. Tháng thứ Hai của Lịch Do Thái là tháng Iyar (Ziv) tên trong Kinh Thánh là tháng Xíp ( Ziv ) được chép trong I Các Vua 6 : 1;37 “nhằm tháng Xíp, nghĩa là tháng thứ hai,” Theo nghĩa đen thì tháng Ziv có nghĩa là rạng rỡ, được gọi như vậy vì thời điểm này cây cối xanh tốt, rạng rỡ bừng lên sức sống mới.
3. Tháng thứ bảy được gọi là tháng Tishrei (Eitanim ) được chép trong I Các vua 8:2 “Trong lúc lễ, nhằm tháng Ê-tha-ninh, là tháng bảy,” Theo nghĩa đen thì tên tháng Eitanim có nghĩa là “mạnh sức” vì thời điểm này trái cây chin và tốt lành.
4. Tháng thứ tám là tháng Marcheshvan còn được gọi là Cheshvan ( Bul ) được chép trong I Các vua 6:37 “nhằm tháng Bu-lơ, nghĩa là tháng tám” Từ Bul nghĩa là khô héo vì thời điểm này vào mùa thu cây cối khô héo.
TÊN THÁNG ĐƯỢC GỌI THEO TIẾNG DO THÁI THỜI KỲ LƯU ĐÀY TẠI BA BI LÔN
Lịch do thái được gọi tên theo tên gọi như hiện nay trong lúc người Do Thái bị lưu đày ở Babilon. Theo một số ý kiến thì nói tên này được đặt theo tiếng Babilon nhưng phần nhiều các nhà thông giáo của Do Thái giáo thì cho rằng tên trong tháng Do Thái đó chính là tiếng Do Thái trong thời gian bị lưu đày.
Tên tháng đầu tiên mà Kinh Thánh đặt để nhắc nhớ đến ngày người Do Thái ra khỏi xứ Ê-díp-tô vì vậy nếu gọi tháng thứ 6 thì có nghĩa là 6 tháng kể từ tháng xuất hành.
Tên gọi ngày nay theo tên Ba bi lôn như là sự nhắc nhớ đến ngày dân Do Thái ra khỏi sự lưu đày ở Ba bi lôn y lời tiên tri Giê-rê-mi có chép trong Giê-rê-mi 16: 14-15 “Vậy nên, Đức Giê-hô-va phán: Nầy, ngày đến, là khi người ta sẽ chẳng nói rằng: Thật như Đức Giê-hô-va hằng sống, là Đấng đã đem con cái Y-sơ-ra-ên lên khỏi xứ Ê-díp-tô. Nhưng nói rằng: Thật như Đức Giê-hô-va hằng sống, là Đấng đã đem con cái Y-sơ-ra-ên lên từ phương bắc, và từ các nước mà họ đã bị đuổi đến. Ta sẽ lại dẫn chúng nó về trong đất mà ta đã ban cho tổ phụ chúng nó.”
NĂM ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH DO THÁI CHỈ CÓ 5 NGÀY.
Các năm trong lịch Do Thái được tính từ khi tạo ra thế giới. Do đó, vào năm 2020, tức là đã 5780 năm kể từ khi Sáng tạo.
Tuy nhiên, Rosh Hashanah, Tết của người Do Thái, được tổ chức vào ngày Adam được tạo ra, đó là ngày thứ sáu của sự sáng tạo. Quá trình sáng tạo bắt đầu trước đó 5 ngày, vào ngày 25 của tháng Elul vì vậy năm đầu tiên trong lịch Do Thái chỉ có 5 ngày.
CÓ 4 NGÀY TẾT
Rosh Hashanah (1 Tishrei) là ngày đầu tiên của năm, đây là ngày đầu năm mới, ngày tết chính của người Do Thái nhưng người Do Thái còn có ba ngày nữa được coi là "ngày Năm mới" liên quan đến các luật và nghi lễ cụ thể: 1 Nisan, 1 Elul và 15 Shevat . Trong số ba loại, nổi tiếng nhất là 15 Shevat , còn được gọi là Tu B'Shevat — Năm mới cho cây.
THÁNG THỨ 13 CỦA NĂM NHUẬN.
Khác với Dương Lịch, lịch Do Thái được tính theo chu kỳ mặt trăng chỉ có 29,30 ngày vì vậy thay vì thêm một ngày vào năm nhuận thì người Do thái sẽ có tháng thứ 13. Vào các năm thứ 3, 6, 8, 11, 14, 17 và 19 của mỗi chu kỳ 19 năm, một tháng khác ( Adar II) được thêm vào. Một năm như vậy được gọi là “ shanah m'uberet ,” nghĩa đen là “năm mang thai” hay đúng hơn là “năm mở rộng”. Lễ Purim được cử hành vào tháng Adar II nếu là năm nhuận sau đó là Lễ vượt qua vào tháng Nisan.
NGÀY CỦA DO THÁI
Một ngày trong lịch Do Thái khoảng thời gian giữa hai buổi hoàng hôn. Điều này xuất phát từ Kinh Thánh khi Chúa gọi một ngày là “Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ nhất.” Sáng thế ký 1:5. Các ngày Do thái được gọi theo tên và ngày thứ bảy thì là Ngày Thánh như là điều răn đầu tiên Chúa ban cho cả loài người.
Tên của 7 ngày trong tuần trong Lịch Do Thái như sau:
Chúa nhật : Yom Rishon – יום ראשון (viết tắt là יום א׳) nghĩa là “ngày thứ nhất”.
Thứ Hai : Yom Sheni – יום שני (viết tắt là יום ב׳) nghĩa là “ngày thứ hai”.
Thứ Ba : Yom Shlishi – יום שלישי (viết tắt là יום ג׳) nghĩa là “ngày thứ ba”.
Thứ Tư : Yom Reviʻi – יום רביעי (viết tắt là יום ד׳) nghĩa là “ngày thứ tư”.
Thứ Năm : Yom Chamishi – יום חמישי (viết tắt là יום ה׳) nghĩa là “ngày thứ năm”.
Thứ sáu : Yom Shishi – יום ששי (viết tắt là יום ו׳) nghĩa là “ngày thứ sáu”.
Ngày Thánh : Yom Shabbat – יום שבת (viết tắt là יום ש׳), thường được viết gọn là Shabbat – שבת, nghĩa là ngày nghĩ.
MỘT CANH.
Vào thời Chúa Jesus thì người ta chia một ngày thành tám canh khác nhau mỗi canh là 3 giờ, bốn canh ban đêm và bốn canh ban ngày. Bắt đầu một canh của một ngày là vào 6h chiều (18h00 ). Vào ban đêm, canh thứ nhất bắt đầu từ lúc hoàng hôn đến 9 giờ khuya; canh thứ hai từ lúc 9 giờ khuya đến nửa đêm, canh thứ ba từ nửa đêm đến 3 giờ sáng; và canh thứ tư từ 3 giờ sáng đến lúc mặt trời mọc. Tương tự, vào ban ngày, canh thứ nhất bắt đầu từ lúc mặt trời mọc đến 9 giờ sáng; canh thứ hai từ 9 giờ sáng đến giữa trưa, canh thứ ba từ giữa trưa đến 3 giờ chiều; và canh thứ tư từ 3 giờ chiều đến lúc mặt trời lặn.
GIỜ DO THÁI.
Các giờ Do Thái được chia thành 1080 phần được gọi là helek ( Hebrew חלק, có nghĩa là "phần", số nhiều halakim חלקים). Một helek là bằng 3 trên 1 phần 3 giây hay 1 phần 18 phút Theo đó một tháng trung bình của người Do Thái được tính chính xác bằng 29 ngày 12 giờ và 793 halakim, nghĩa là 29 ngày 12 giờ 44 phút và 3 trên 1/3giây.
Giờ trong Lịch Do Thái được chia làm 1080 phần (helek), mỗi phần tương đương với 10/3 giây, hay 1/18 phút.
CÁC NGÀY LỄ CỦA DO THÁI
Dưới đây là vài ngày lễ quan trọng của người Do Thái có nguồn gốc từ Thánh Kinh.
· Lễ Vượt Qua (Passover) – còn gọi là Lễ Bánh Không Men (Unleaven Bread). Đây là ngày lễ Đức Chúa Trời truyền cho người Do Thái giữ để nhắc cho thế hệ trẻ về việc Đức Chúa Trời cứu người Do Thái tại Ai Cập (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:25-27). Lễ Vượt Qua diễn ra từ ngày 14-21 tháng Nisan.
· Lễ Ngũ Tuần (Pentecost – Πεντηκοστή) – còn gọi là Lễ Mùa Gặt – được tổ chức 50 ngày sau Lễ Vượt Qua. Tên Lễ Ngũ Tuần trong tiếng Hy Lạp dựa vào con số 50 ngày sau Lễ Vượt Qua; tuy nhiên trong tiếng Do Thái, lễ này kỷ niệm ngày người Do Thái thu hoạch mùa màng. Bảy nông phẩm đặc sản của Do Thái được nhắc đến trong Phục Truyền 8:8 là lúa mì, lúa mạch, nho, vả, lựu, olive, và chà là. Lễ Mùa Gặt diễn ra vào ngày 6 tháng Sivan.
· Năm mới Rosh Hashanah, trong nguyên văn Hebrew, Rosh nghĩa là “đầu” và Hashanah nghĩa là “năm”; Rosh Hashanah nghĩa là đầu năm. Đây là ngày người Do Thái mừng năm mới. Theo lời Chúa dạy trong Kinh Thánh (Lê-vi Ký 23:22 và Dân Số Ký 29:1), người Do Thái mừng ngày lễ này bằng cách thổi kèn bày tỏ niềm vui; do đó ngày lễ này còn được biết đến là ngày Lễ Thổi Kèn. Lễ Thổi Kèn diễn ra vào ngày 1-2 của tháng Tishri.
· Lễ Chuộc Tội (Yom Kippur) là một ngày lễ đặc biệt quan trọng với người Do Thái. Đây là ngày lễ mà Đức Chúa Trời truyền cho mọi người cư ngụ tại xứ Do Thái, bất kể đó là người bản xứ hay ngoại kiều, phải tuân giữ (Lê-vi Ký 16:29-34). Trong ngày này mọi người phải kiêng cữ lạc thú, phải được thanh tẩy, và sau đó được thầy tế lễ cầu nguyện chuộc tội (Lê-vi Ký 23:26-32). Lễ Chuộc Tội diễn ra vào ngày 10 của tháng Tishri.
· Lễ Lều Tạm (Sukkot) được tổ chức từ ngày 15-22 của tháng Tishri. Vào dịp này người Do Thái sống trong những căn lều làm bằng lá cây, để nhắc cho thế hệ mới nhớ lại lúc Đức Chúa Trời cứu dân Do Thái khỏi Ai Cập, họ đã phải sống 40 năm trong những căn lều như vậy (Lê-vi Ký 23:40-43) trước khi họ được vào Đất Hứa.
· Lễ Purim được tổ chức trong hai ngày 14 và 15 của tháng Adar ( nếu là năm nhuận sẽ là Adar 2 ). Đây là dịp người Do Thái kỷ niệm ngày họ được giải cứu khỏi âm mưu hủy diệt của Haman, tể tướng của Hoàng đế A-suê-ru. Vào dịp này, bên cạnh việc ăn mừng nơi công cộng, người Do Thái còn tặng quà cho nhau, và đặc biệt tặng quà cho người nghèo, như truyền thống trong ngày lễ Purim đầu tiên (Ê-xơ-tê 9:20-22).
Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam.
Comentários