VÙNG GA-LI-LÊ, NƠI CHÚA JESUS THI HÀNH CHỨC VỤ TRÊN ĐẤT
Ê-sai 8:23 có nói tiên tri về vùng đất Galille khi Chúa Jesus là Đấng Mesia đã đến “nhưng trong kỳ sau Ngài đã làm cho đất gần mé biển, tức là nơi bên kia sông Giô-đanh, trong xứ Ga-li-lê của dân ngoại, được vinh hiển.” Thật như vậy, với phần lớn chức vụ của Chúa Jesus khi còn sống là ở tại vùng Galilee này mà ngày nay người ta biết đến Galille cũng bởi vì Chúa Jesus, Ngài từng ở đó.
Vùng Galilee ( Hebrew : הַגָּלִיל ) là một khu vực nằm ở phía bắc Israel và xuống đồng bằng Esdrelon, phía Nam . Galilê theo truyền thống dùng để chỉ phần miền núi, được chia thành miền Thượng Galilê ( הגליל העליון) và Hạ Galilee ( גליל תחתון ). dài 60 dặm, từ sông Litani phía Bắc (gần Lebanon) xuống đồng bằng Esdrelon, phía Nam. Galilee rộng 30 dặm, chạy từ bờ Ðịa Trung hải phía Tây đến núi Carmel, bờ Ðông của hồ Galilee và sông Jordan. Galilee là vùng đất ôn hòa, mát mẻ và mưa nhiều. Cảnh vật Galilee tuyệt đẹp, nhiều đồng bằng và thung lũng xanh tươi.
Galilee bao gồm những thành quen thuộc được nhắc nhiều trong các sách Phúc Âm như Cana, Capernaum, Tiberias và Nazareth.
Các thành phố kế cận hồ Galilee xưa và nay là nơi tập trung dân cư đông đảo nhất của cả vùng. Theo ước đoán hiện nay, thời Chúa Jesus có 9 thành ven hồ Galilee, mỗi thành có chừng 15,000 người hay nhiều hơn. Trong đó có các thành Tiberias, Magdala, Korazim, Bethsaida, Hippos, Capernaum, Gadara và Kenneret. Người Do-thái tập trung trong các thành phía Tây của hồ. Ðại đa số quần chúng các thành phía Ðông của hồ là dân ngoại.
Trong Thánh Kinh Cựu Ước, vùng đất Ga-li-lê được nhắc lần đầu tiên trong sách Dân Số Ký đoạn 34:10 như là biên giới lãnh thổ Do Thái với tên biển Ki-nê-rết. Vào thời Giô-suê dân Do Thái đã chiếm lấy vùng đất này từ vua Si-hôn của người A-mô-rít (Giô-suê 12:2-4, 13:26-28). Giô-suê 20:7 cho biết vùng đất Ga-li-lê sau đó đã được phân chia cho các chi tộc A-se, Nép-ta-li , Sa-bu-lôn và Y-sa-ca. Riêng thành Kê-đe của xứ Ga-li-lê được chia làm sản nghiệp cho chi tộc Levi (I Sử Ký 6:76) và được dùng làm thành ẩn náu cho những người ngộ sát (Giô-suê 21:32).
Các Quan Xét 1:30-33 chép rằng các chi tộc A-se, Nép-ta-li , Sa-bu-lôn và Y-sa-ca đã không đuổi dân Canaan đi nhưng sống chung với người bản xứ và bắt dân Canaan phục dịch họ. Về sau, người Canaan mạnh nên đã đánh lại người Do Thái khiến người Do Thái gặp nhiều khó khăn. Ba-rác, thủ lãnh của người Nép-ta-li, đã nhờ nữ tiên tri Đê-bô-ra giúp đánh lại người Canaan (Các Quan Xét 4:6-10). Những xung đột giữa người Do Thái và người bản xứ từ thời đó vẫn còn kéo dài cho tới ngày hôm nay.
Đến thời vua Salomon, vùng Ga-li-lê được tặng cho vua Hu-ram để thưởng công cho ông trong việc cung cấp vật liệu giúp xây dựng cung điện và đền thờ tại Jerusalem (I Các Vua 9:10-11). Mặc dầu đây là khu vực trù phú của nước Do Thái và địa thế rất thuận lợi nhưng vua Hiram không hài lòng nên đã đặt tên cho lãnh thổ này là Ca-bun, nghĩa là không có giá trị gì hết.
Tiên tri Ê-sai cho biết vùng đất này là nơi Đấng Cứu Thế sẽ xuất hiện (Ê-sai 9:1-2). Lời tiên tri này về sau đã được Ma-thi-ơ trích dẫn trong Ma-thi-ơ 4:15-16.
Vì dân chúng từ nhiều quốc gia sống tại vùng Ga-li-lê cho nên Tiên tri Ê-sai 8:23 đã gọi vùng đất này là “xứ Ga-li-lê của dân ngoại.” Hình thức tiếng Do Thái được sử dụng trong Ê-sai 8:23 (hoặc 9: 1) ở trạng thái cấu trúc , g'lil ha-goyím ( גְּלִיל הַגּוֹיִם ), có nghĩa là “Galilê của các dân tộc”. Có lẽ bởi điều đó mà người Do Thái ở phía nam xem thường dân Do Thái tại Ga-li-lê vì cho rằng dân Ga-li-lê không thuần khiết. Đức Chúa Jesus và các môn đệ Ngài được một số người Do thái gọi là dân Ga-li-lê với ý nghĩa soi mói khinh chê.
Khi biết Đức Chúa Jesus quê hương tại Na-xa-rét, Na-tha-na-ên, theo quan điểm của người Do Thái thời đó, đã nhận xét: “có gì tốt xuất phát từ Na-xa-rét.” (Giăng 1:46). Bên cạnh đó, giọng nói của người Ga-li-lê không được trang nhã như giọng nói tại Jerusalem. Đây là lý do Phi-e-rơ bị nhận diện là người theo Chúa tại dinh Cai-phe trong đêm Đức Chúa Jesus bị bắt.
Trong Tân Ước, Ga-li-lê được nhắc đến rất nhiều lần vì đây là quê hương của Đức Chúa Jesus, nơi Chúa sống, bắt đầu và thi hành phần lớn chức vụ của Ngài.
Đức Chúa Jesus khởi đầu chức vụ của Ngài tại Ga-li-lê. Chúa gọi các môn đồ đầu tiên tại đây (Ma-thi-ơ 4:18-22; Mác 1:14-20; Lu-ca 4:14-15; 5:1-11). Chúa làm phép lạ tại Cana (Giăng 2:1-11). Sau đó, Đức Chúa Jesus đi khắp miền Ga-li-lê giảng dạy trong các các nhà hội và rao truyền Tin Lành (Ma-thi-ơ 4:23-25; Mác 1:21-45). Chúa cũng về Na-ra-rét, quê hương của Ngài (Lu-ca 4:14-30) và đến Ca-bê-na-um, một thành phố ven bờ Ga-li-lê, để truyền giảng (Lu-ca 4:31-37).
Dân chúng trong vùng Ga-li-lê ngạc nhiên về nội dung và thẩm quyền trong lời giảng của Đức Chúa Jesus. Họ kinh ngạc vì thấy Ngài có uy quyền trên trên tà linh, trên bệnh tật và trên thiên nhiên (Lu-ca 5:1-11). Danh tiếng Chúa được loan truyền khắp vùng Ga-li-lê, rồi từ đó truyền sang những nơi khác. Dân chúng trong miền Ga-li-lê, từ xứ Giu-đê, từ Jerusalem, từ những vùng đất phía đông sông Jordan, kéo đến Ga-li-lê để được nghe Chúa giảng và được Ngài chữa bệnh. Các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái từ những vùng phụ cận trong xứ Ga-li-lê và từ thủ đô Jerusalem đến gặp Chúa với mục đích quan sát, điều tra, và chất vấn Chúa (Lu-ca 5:17-26). Tại đây, Chúa Jesus cũng đã giảng Bài Giảng Trên Núi và dạy Bài Cầu Nguyện Chung (Ma-thi-ơ 5, 6, 7) cho nhiều người nghe.
Giai đoạn thứ hai trong chức vụ của Đức Chúa Jesus tại vùng Ga-li-lê bắt đầu khi Chúa từ trên núi trở xuống (Ma-thi-ơ 8:1). Giai đoạn này bắt đầu với phép lạ chữa lành bệnh phung, chữa bệnh cho đầy tớ một sĩ quan La Mã, chữa bệnh cho mẹ vợ của Phi-e-rơ, Chúa dẹp yên bão tố, đuổi quỷ tại Ga-đa-ra, chữa bệnh bại, cứu sống con gái Giai-ru, và rất nhiều tật bịnh khác (Ma-thi-ơ 8, 9).
Đức Chúa Jesus tại Ga-li-lê đã chọn Mười Hai Sứ Đồ từ các môn đồ, và ủy thác cho họ trách nhiệm rao truyền Phúc Âm cho những nơi khác (Ma-thi-ơ 10). Những lời dạy của Chúa trong giai đoạn này bao gồm: những ẩn dụ về nước thiên đàng, người gieo giống, hạt giống, men, hạt cải, ngọc trai, lưới cá, kho tàng kín giấu. Sau khi Giăng Baptist bị vua Hê-rốt giết, Chúa đi ngang qua vùng Ga-li-lê và dành thì giờ cho các sắc dân ngoại quốc. Trước khi đi, Chúa trả lời cho người Pharisi về vấn đề tinh sạch (Ma-thi-ơ 15:1-20). Sau đó, Chúa đến thăm địa giới quanh thành Ty-rơ và Si-đôn. Các phép lạ trong giai đoạn này bao gồm hai lần Chúa hóa bánh nuôi đám đông, Chúa đi bộ trên mặt biển, Chúa chữa lành mười người phung, chữa bệnh cho con gái của một phụ nữ Canaan, chữa lành người câm.
Địa danh Ga-li-lê được nhắc đến lần chót trong Thánh Kinh Tân Ước trong sách Công Vụ. Mặc dầu trước khi về trời Đức Chúa Jesus không dặn các môn đồ phải truyền giảng tại xứ Ga-li-lê ( Công Vụ 1:8), có lẽ vì Chúa đã giảng tại khu vực này nhiều lần; dầu vậy Công Vụ 9:31 cho biết Hội Thánh tại vùng Ga-li-lê đã được thành lập và phát triển. Phi-e-rơ ghi nhận Ga-li-lê là nơi Phúc Âm của Chúa bắt đầu được rao giảng (Công 10:36-38). Trong bài giảng cho người Do Thái tại An-ti-ốt, Phao-lô xác nhận những người theo Chúa đầu tiên là những người từ vùng Ga-li-lê.
Ngày nay, hầu hết các thành trong vùng Galilee là thành phố công nghiệp và nông nghiệp trù phú, xuất khẩu rất nhiều dầu olives và lúa mì. Galilee đã trở thành một phần của thế giới hiện đại. Bên cạnh các cộng đồng nông nghiệp nổi tiếng (kibbutzim) là khách sạn quốc tế sang trọng, hay các nhà khách cho dân du lịch “ba-lô” bình dân.
Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam
Comments